MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở diễn ra giáp khu vực chân cầu Trung Hà nối huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ảnh: Tô Công.

Bờ sông Đà khu vực chân cầu nối Phú Thọ - Hà Nội lại sạt lở

Tô Công LDO | 29/06/2024 11:17

Phú Thọ - Bờ sông Đà ở khu vực chân cầu Trung Hà, đoạn qua địa phận xã Dân Quyền, huyện Tam Nông tái diễn tình trạng sạt lở gây thiệt hại về tài sản cho người dân.

Những ngày qua, bờ sông Đà thuộc khu 13 và khu 14, xã Dân Quyền tương ứng K32 + 800 đến Km 33 + 400 đê tả sông, đoạn giáp chân cầu Trung Hà nối huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đã xảy ra tình trạng sạt lở.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động những ngày cuối tháng 6, hàng trăm mét bờ sông Đã bị sạt lở với tốc độ nhanh, mức độ nghiêm trọng, nhiều diện tích đất đai, hoa màu của người dân đổ xuống dòng sông chảy xiết.

Có thể thấy, bờ đê tả sông Đà sạt lở chỉ cách khu dân cư hơn 50m, cách chân đê bối hồng đà 400m, nằm sát với trụ móng cầu Trung Hà hiện đang được sửa chữa.

Sạt lở đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích đất đai, hoa màu của người dân. Ảnh: Tô Công.

Bà Lê Hương Ly - Trưởng khu 13 - cho biết, sạt lở đã ăn sâu vào đất liền khoảng 70 - 80m, gây thiệt hại cho nhiều diện tích đất đai và hoa màu của người dân.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dũng tại khu 13, xã Dân Quyền đã bị thiệt hại khoảng 1.000 cây chuối do sạt lở từ đầu năm 2024 đến nay. Hướng mắt ra bờ sông, ông Dũng buồn rầu nhìn những cây chuối của gia đình đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch nằm ngả nghiêng dưới dòng nước.

Ông Dũng kể, gia đình ông đã thuê 10 sào đất của 3 hộ dân để trồng chuối, đến nay, ước tính những thiệt hại do sạt lở gây ra là gần 100 triệu đồng.

"Khoảng 2 tuần qua, sạt lở diễn ra nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác tại khu 13, khu 14 xã Dân Quyền rất mong các cấp, các ngành sớm vào cuộc, có phương án kè bờ sông để xử lý sạt lở và bảo vệ sự an toàn cho người và tài sản trong khu vực" - ông Dũng chia sẻ.

Khu vực sạt lở sát với cầu Trung Hà đang được sửa chữa. Ảnh: Tô Công.

Sáng 29.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông - cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc bờ sông Đà, đoạn gần cầu Trung Hà tiếp tục bị sạt lở là vì dòng chảy thay đổi, bờ phía huyện Ba Vì đã được kè kiên cố, dòng chảy xoáy sang chân đê của xã Dân Quyền khiến các diện tích đất và bãi cát non ven sông bị sạt lở.

"Vừa qua, UBND huyện Tam Nông đã báo cáo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng sạt lở bờ sông Đà tại xã Dân Quyền. Sau đó, đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra thực tế, cho ý kiến sẽ nhanh chóng đầu tư, xây dựng một tuyến kè khẩn cấp trong thời gian tới" - ông Hùng chia sẻ.

Cách đây hơn 1 năm, bờ sông Đà qua địa phận xã Dân Quyền đã từng bị sạt lở. Ảnh: Tô Công.

Trước đó, giữa tháng 5.2023, Báo Lao Động đã có bài viết "Bờ sông Đà sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng trăm hộ dân ở Phú Thọ", phản ánh về việc bờ sông Đà đoạn qua khu 12 và khu 13, xã Dân Quyền bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến đời sống của hàng trăm hộ dân sống ven đê.

Một tuyến kè sau đó đã được xây dựng. Ảnh: Tô Công.

Một tháng sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông đoạn tương ứng từ Km31+650 - Km31+950 đê tả sông Đà, chiều dài khoảng 300m, với phương án được triển khai là kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để chống sạt lở, kinh phí thực hiện khoảng 15 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn