MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi Báo Lao Động có bài viết về tình trạng xẻ thịt sông Sài Gòn, chủ căn biệt thự này đã cho san ủi trả lại đoạn cuối hẻm như ban đầu.

Bờ sông Sài Gòn bị xẻ thịt, chiếm đoạt: Chính quyền địa phương vào cuộc

Huân Cao - Trần Khanh LDO | 25/10/2019 16:27

Ngay sau khi Báo Lao Động đăng loạt bài "Sông Sài Gòn bị xẻ thịt, chiếm đoạt", lãnh đạo UBND quận 2 và UBND quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) đã chỉ đạo các phòng ban liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý những thông tin báo phản ánh.

Chủ căn biệt thự 189D Nguyễn Văn Hưởng tự khắc phục

Báo Lao Động đăng bài "Sông Sài Gòn bị xẻ thịt, chiếm đoạt" với nội dung phản ánh thực trạng nhiều đại gia, doanh nghiệp đua nhau xẻ thịt bờ sông Sài Gòn. Không chỉ xẻ thịt bờ sông, nhiều đại gia còn chiếm đoạt những con hẻm nối ra sông làm lối đi riêng cho gia đình.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, ngay sau khi báo đăng bài, sáng 21.10, ông Nguyễn Quang Minh - TGĐ Công ty Cát Tiên Sa (chủ căn biệt thự cuối hẻm 189D Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2) đã tự tháo dỡ thanh chắn barie ngay đầu hẻm, đồng thời tháo bỏ chốt bảo vệ và không bố trí bảo vệ đứng canh gác ở đầu hẻm.

Sáng 25.10, phóng viên quay lại con hẻm trên và ghi nhận mọi thanh chắn đều được tháo bỏ, không còn bảo vệ đứng canh. Người dân có thể đi vào con hẻm này tự do mà không gặp phải sự ngăn cản nào như trước đây.

Ghi nhận cuối con hẻm 189D, ông Nguyễn Quang Minh đã san ủi phần khuôn viên xây sát bờ sông để trả lại hiện trạng ban đầu. Phần khuôn viên này, trước đây được xây tràn ra cả bờ sông, trồng nhiều cây cảnh và được xem là "đặc quyền" của gia đình ông Minh.

 Ông Nguyễn Quang Minh cho san ủi khuôn viên trả lại hiện trạng đất hẻm ban đầu

Nhiều đơn vị vi phạm vẫn án binh bất động

Trong khi hẻm 189D đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 đã được khắc phục hậu quả, thì nhiều con hẻm khác trên đường này vẫn án binh bất động. Điển hình như hẻm 200, chủ đầu tư vẫn lắp thanh chắn barie và bố trí bảo vệ đứng canh đầu hẻm để ngăn cản người dân đi vào. Hẻm 189C, chủ căn biệt thự cuối hẻm vẫn lắp chốt bảo vệ và hẻm 197 vẫn còn sử dụng cho mục đích kinh doanh.

Nhiều công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn được Báo Lao Động điểm mặt, nhưng vẫn chưa có động thái khắc phục nào. Điển hình như nhà hàng số 197/1 và 197/2 đường Nguyễn Văn Hường, phường Thảo Điền, quận 2; Công trình nhà hàng, bar, cafe, bến du thuyền của Công ty TNHH May thêu Thương mại Lan Anh, phường Bình An, quận 2.

 Hẻm 200 Nguyễn Văn Hưởng vẫn lắp thanh chắn ngăn cản người dân đi vào

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch UBND quận 2 cho biết, sau khi Báo Lao Động đăng loạt bài "Sông Sài Gòn bị xẻ thịt, chiếm đoạt", đích thân ông đã giao Phòng Quản lý Đô thị và Phòng Tài Nguyên Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra để vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

"Sau khi báo đăng, tôi đã chỉ đạo Phòng Quản lý Đô thị và Phòng Tài nguyên Môi trường vào cuộc kiểm tra những công trình mà báo phản ánh. Hiện anh em vẫn đang làm và khi có kết quả sẽ phản hồi đến báo, khi Báo Lao Động đã phản ánh thì trách nhiệm của quận là phải làm rõ các vấn đề báo nêu" - ông Hưng nói.

Ông Đặng Minh Nguyên - Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh cũng cho biết, UBND quận đã tiếp nhận những thông tin mà Báo Lao Động phản ánh về việc các công trình xây lấn chiếm bờ sông Sài Gòn trên địa bàn quận.

"Lãnh đạo quận đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị vào cuộc xác minh những thông tin vi phạm mà báo phản ánh. Hiện anh em vẫn đang làm khẩn trương, khi có kết quả sẽ thông tin cụ thể đến Báo Lao Động" - ông Minh nói.

 Công trình vi phạm của Công ty Lan Anh vẫn hiên ngang như một sự thách thức với pháp luật

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn