MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai bên bờ sông Sài Gòn cần được quy hoạch và xây dựng 2 tuyến đường chạy dọc bờ kênh.

Bờ sông Sài Gòn bị "xẻ thịt": Chính quyền phải có trách nhiệm với dân

Huân Cao LDO | 23/10/2019 06:45

Để hai bờ sông Sài Gòn bị lấn chiếm như ngày hôm nay thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý và quy hoạch. Chính quyền TPHCM cần có chính sách và giải pháp phù hợp để lấy lại quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn phục vụ cho mục đích công cộng.

Hai bên bờ sông Sài Gòn đang phát triển trái quy luật

Một đoạn bờ sông Sài Gòn hiếm hoi được lấy lại phục vụ cho công cộng

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển là người tham gia quy hoạch khu Bờ Đông Sài Gòn, đã nhiều lần đi khảo sát và nghiên cứu dọc hai bên bờ sông này. Khi cùng phóng viên báo Lao Động xuôi dòng sông từ quận 1 về quận Thủ Đức, bà Trân không khỏi xót xa khi nhìn cảnh hai bờ sông bị các khu đô thị, nhà ở thương mại và biệt thự xây chiếm trọn bờ sông, chắn hết tầm nhìn.

Theo bà Trân, với tình hình để xây dựng tràn lan như hiện nay, chính quyền TPHCM đã quy hoạch và xây dựng hai bên bờ sông không đúng với mô hình chung mà các thành phố khác đã làm. Nếu phát triển theo đúng mô hình chung, thì hai bên bờ sông phải xây hai tuyến đường chạy dọc theo, đi kèm là những mảng cây xây, công viên và khu vực công cộng để mọi người dân cùng tận hưởng.

"Nhiều thành phố có sông chảy vào trung tâm như Sông Hàn (Seoul, Hàn Quốc), sông Seine (Paris, Pháp), sông Klong Mahasawat (Bangkok, Thái Lan),... Tại các sông này đều được quy hoạch xây dựng 2 tuyến đường chạy dọc theo bờ sông, có nhiều cây cầu kết nối đôi bờ, có cầu cho người đi bộ, có công viên và cây xanh. Ở Việt Nam cũng có sông Hàn (Đà Nẵng) và sông Hương (Huế) được quy hoạch và xây dựng theo hướng như vậy, trong khi TPHCM lại không làm được." - bà Trân nói.

 Đúng ra bờ sông Sài Gòn phải được quy hoạch và xây dựng như thế này

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, Sài Gòn là thành phố sông nước, nhiệt đới gió mùa với điểm nhấn đặc sắc là sông và kênh rạch. Đây là nguồn tài nguyên quý giá của thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Sông Sài Gòn không những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà còn tạo ra nguồn lực rất lớn về phát triển kinh tế và du lịch.

 Nhiều dự án ven sông Sài Gòn đua nhau mọc lên như nấm sau mưa

"Thị trường bất động sản ven sông Sài Gòn luôn sôi động và sẽ tiếp tục sôi động hơn trong thời gian tới. Bởi vì, cả thành phố chỉ có mỗi con sông này nên quỹ đất ven sông luôn khan hiếm, trong khi nhu cầu thì ngày càng tăng cao. Do vậy, nếu không có sự quản lý chặt, thì sông Sài Gòn sẽ tiếp tục bị lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng hơn." - ông Châu lo lắng.

Thành phố phải có trách nhiệm lấy lại cho dân

 Đoạn bờ sông Sài Gòn từ đường Tôn Đức Thắng đến Bến Nhà Rộng không bị che khuất và lấn chiếm

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, để hai bên bờ sông Sài Gòn cho tư nhân xây dựng làm của riêng như hiện nay là do chính quyền TPHCM quản lý chưa nghiêm. Thành phố phải có trách nhiệm lấy lại hai bên bờ sông để phục vụ chung cho mọi người dân, không để một cá nhân nào được quyền chiếm hữu riêng.

Theo ông Tống, thành phố phải làm ngay bây giờ, phải ngăn chặn ngay những sai trái để lấy lại đôi bờ sông cho người dân và thế hệ tương lai. Nếu không làm, sau này thế hệ con cháu sẽ oán trách thế hệ cha ông đã quy hoạch và quản lý sông Sài Gòn thế nào mà chỉ có dân nhà giàu mới được hưởng.

"Cũng là đoạn sông Sài Gòn, nhưng cách đây 100 năm người Pháp đã quy hoạch đúng chuẩn và có giá trị đến ngày hôm nay, đấy là đoạn đường từ Tôn Đức Thắng đến bến Nhà Rồng. Vậy tại sao, các đoạn bờ sông Sài Gòn phát triển sau này lại không đi theo quy chuẩn trên, mà lại cắt khúc biến thành của riêng của một số người?." - ông Thống đặt dấu hỏi.

Cần phải xử ly nghiêm những công trình xây dựng trái phép thế này

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, TPHCM nên làm đường chạy ven sông, kết hợp không gian sinh hoạt công cộng dọc bờ sông Sài Gòn. Để làm được việc này, thành phố cần thu hồi đất các dự án chưa triển khai. Riêng những công trình, nhà ở được hình thành đúng luật thì có thể đền bù và giải tỏa lấy lại diện tích ven sông, còn những công trình xây dựng trái phép thì cương quyết tháo dỡ.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân cho rằng, những dự án công trình xây dựng lấn chiếm sai quy định hành làng bảo vệ sông Sài Gòn thì phải tháo dỡ và không đền bù. Những công trình dù đã cấp phép, nhưng để phục vụ cho việc làm đường và công trình công cộng thì cần phải giải tỏa có đền bù. Cách làm này đã được thực hiện ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé và thành phố đủ thẩm quyền để làm được điều này.

Cần phải xử lý nghiêm những cá nhân tiếp tay cho những công trình vi phạm bờ Sông Sài Gòn hiện nay

Về khắc phục hậu quả cùa hai bên bờ sông đang bị lấn chiếm hiệm nay, bà Trân cho rằng, cần phải xử lý và truy trách nhiệm cụ thể những cá nhân đã tham gia tiếp tay cho việc xây dựng tràn lan hai bờ sông hiện nay. Những người có trách nhiệm, có tâm và có tầm thì không ai lại để cho đôi bờ sông Sài Gòn phát triển một cách dị hợm như vậy.

"Phải xử lý nghiêm, kể cả những người đã về hưu để làm gương cho công tác quy hoạch các công trình sau này. Không thể làm theo tư duy nhiệm kỳ, cứ cấp phép và cho làm tràn lan chỉ vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm là không được.

Khi hết nhiệm kỳ về hưu thì để lại cái sản phẩm nhố nhăng như hai bên bờ sông Sài Gòn hiện nay. Nếu chúng ta không lấy lại hai bên bờ sông Sài Gòn cho toàn dân, thì sẽ có lỗi với thế hệ tương lai." - bà Trân nói.

 Phải lấy lại hai bên bờ sông Sài Gòn cho dân và được quy quy theo hướng Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn