MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bỏ thi tốt nghiệp vì sợ gian lận là quan điểm sai lầm

Phạm Dung LDO | 19/07/2018 14:00

Vụ gian lận thi cử chấn động ở Hà Giang chưa kết thúc khi có thể lan ra Sơn La, Lạng Sơn, khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi: "Liệu đã đến lúc nên bỏ thi tốt nghiệp?"

Không thi lấy gì đánh giá chất lượng?

Đánh giá về con số hơn 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đây là con số "không ổn", nó thể hiện "bệnh thành tích" còn đang quá nặng nề ở nước ta. Đặc biệt sau lùm xùm về gian lận thi cử tại Hà Giang và bây giờ đến Lạng Sơn, Sơn La thì càng cho thấy chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia đáng báo động. 

Tuy nhiên, trước câu hỏi đặt ra "có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia hay không", TS Khuyến cho rằng bỏ kỳ thi vì những gian lận trong thi cử xảy ra vừa qua là "quan điểm sai lầm". Theo  TS Khuyến, nếu như bậc phổ thông yếu kém thì đại học cũng không thể có chất lượng, nên cần phải chăm lo tốt cho giáo dục phổ thông. 

"Nếu không thi thì làm sao quản lý được chất lượng giáo dục phổ thông. Thi cử còn có gian lận vậy, chúng ta có thể chắc nếu không thi thì sẽ không có gian lận? Không thể "hi sinh" hệ thống giáo dục phổ thông vì sợ gian lận", TS Khuyến nói. 

Việc đánh giá chất lượng học sinh sau 12 năm học có nhiều cách. Một số nước trên thế giới, nhà trường sẽ căn cứ vào quá trình học tập của học sinh để đánh giá vào học bạ, công nhận tốt nghiệp, song để làm như vậy, đội ngũ giáo viên phải có trình độ.

"Tôi cho rằng, ở Việt Nam, trong thời điểm này, chúng ta chưa có sự tin tưởng hoàn toàn vào đội ngũ giáo viên nên phải tổ chức thi", GS Khuyến nói. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng việc thi là cần thiết. Sau 12 năm học, có thi cử thì học sinh mới học, mới có thể đánh giá được chất lượng học sinh. Chúng ta không thể đánh đồng việc gian lận thi cử với việc có nên không thi. Sai phạm ở Hà Giang vừa qua nằm ở sự quản lý, bảo mật bài chấm thi không được nghiêm túc. Vậy chúng ta phải làm cho nghiêm túc chứ không phải cứ có gian lận, cứ có lùm xùm là hô nhau bỏ.

Các trường đại học tự tổ chức thi?

Liên quan đến băn khoăn về việc chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia sẽ ảnh hưởng đến tuyển sinh đại học, TS Khuyến khẳng định, nếu các trường đại học lo ngại về chất lượng của các kỳ thi, các trường hoàn toàn có quyền tự tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển chọn thí sinh của mình. "Song tôi tin, không có nhiều trường cần đến kỳ thi riêng", TS Khuyến nói. 

Từ câu chuyện gian lận ở Hà Giang, TS Khuyến cho rằng bên cạnh xử lý nghiêm người đã có hành vi gian lận sửa điểm cho thí sinh, cũng cần xem xét trách nhiệm của cả một hội đồng thi và người đứng đầu địa phương, bởi lẽ chúng ta đang dần giao quyền tự chủ về cho các địa phương. 

"Tôi không tin, một người có thể sửa điểm cho hơn 300 bài thi mà không có bất kỳ khó khăn nào như thế. Vậy cả một hội đồng thi sinh ra để làm gì?", TS Khuyến đặt nghi vấn.

Để khắc phục những "lỗ hổng" trong thi cử, TS Khuyến cho rằng, cần công khai quá trình chấm thi để toàn xã hội giám sát.

"Tôi phản đối việc bảo mật toàn bộ kỳ thi. Đề thi thì cần bảo mật là đúng. Nhưng quá trình chấm thi thì sao phải bảo mật? Chúng ta nên lắp camera giám sát quá trình chấm thi để tránh gian lận như vừa qua", TS Khuyến nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn