MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân có nhu cầu làm thêm giờ để bù đắp phần thu nhập giảm sút vì phải ngừng việc do dịch COVID-19. Ảnh: Đ.T

Bỏ trần 40 giờ làm thêm mỗi tháng: Bỏ trần chỉ nên tạm thời, lâu dài phải tăng năng suất lao động

Đỗ Phương LDO | 11/10/2021 10:05

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất bỏ trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng để đảm bảo cung ứng, phục hồi sản xuất sau đại dịch... Thời gian dự kiến điều chỉnh quy định về giờ làm thêm nêu trên được đề xuất có hiệu lực đến 31.12.2024. Theo quy định hiện hành, người (NLĐ) lao động có thể từ chối nếu không muốn làm thêm, song thực tế, CNLĐ bao giờ cũng yếu thế hơn trong việc đàm phán với người sử dụng lao động.

“Không tăng ca lấy gì mà sống”

Đó là câu khẳng định chân thật của chị Hà Thị Duyến (sinh năm 1998, quê tỉnh Thanh Hoá). Chị Duyến là công nhân (CN) Công ty Hoya Glass Disk - Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Trở về phòng trọ sau 12 tiếng làm đêm mệt nhoài, chị Duyến tranh thủ chợp mắt rồi mới dậy chuẩn bị cho bữa trưa.

Đang mang bầu ở tháng thứ 6, mỗi ngày chị Duyến làm chính thức 8 tiếng, cộng thêm 4 tiếng tăng ca. Công việc của chị Duyến bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 20 giờ tối hoặc ngược lại. Lương của chị Duyến ở mức 5 triệu đồng, nếu tăng ca thì được hơn 9 triệu đồng. Tháng 8.2021, chị phải nghỉ việc ở nhà vì khu vực phong toả, vài tuần gần đây chị mới được trở lại với công việc. Thời gian này, chị được công ty hỗ trợ 3 triệu đồng tiền lương ngừng việc.

Chia sẻ về lý do mong muốn được tăng ca dù công việc có phần vất vả, chị Duyến cho biết: “Tôi đang có bầu nên làm nhiều mệt lắm. Nhưng tôi vẫn muốn được tăng ca vì sắp sinh con, phải có chút tiền chuẩn bị cho việc sinh nở. Ai nhìn tôi cũng bảo gầy trơ xương. Nghe vậy sốt ruột lắm. Tôi chỉ còn 41kg”.

Còn lương của chị Bùi Thị Lệ - CN tại Công ty K+K Fashion (Khu công nghiệp Ngọc Hoà, Chương Mỹ, Hà Nội) ở mức hơn 5 triệu đồng/tháng. Được tăng ca 1h45 phút mỗi ngày trong tuần, thu nhập của chị tăng thêm 1 triệu đồng. Từ ngày 23.9, chị mới được tăng ca trở lại, làm thêm giờ dù mệt hơn nhưng chị vẫn vui vì có thêm thu nhập.

Trong tương lai phải có giải pháp tốt hơn

Từ những trường hợp ở trên có thể thấy, vì lương không đủ sống nên CN đều mong muốn được tăng ca dù ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐVN) - cho biết, pháp luật lao động từ trước đến nay quy định, người sử dụng lao động muốn huy động làm thêm giờ, bắt buộc phải có thỏa thuận với NLĐ. Nếu không thỏa thuận được, NLĐ sẽ rơi vào tình huống bị ép buộc, hay còn gọi là lao động cưỡng bức. Trong thực tiễn, NLĐ buộc phải làm thêm giờ vì lương ở mức khá thấp, chỉ từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Thậm chí, một số doanh nghiệp yêu cầu nếu NLĐ không làm thêm giờ có thể xử lý kỷ luật, trừ vào điểm không chuyên cần và rất nhiều sức ép khác.

Do vậy, trong đề xuất bỏ trần làm thêm giờ trong tháng, vai trò thỏa thuận tự nguyện của NLĐ cần được nâng cao và các cơ quan chức năng phải có sự kiểm tra giám sát. Riêng đối với tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện cho NLĐ ở cơ sở phải có thương lượng thỏa thuận để đảm bảo quyền tự nguyện và phúc lợi tốt hơn khi NLĐ làm thêm giờ theo đề xuất mới.

Làm thêm giờ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nguy cơ tai nạn lao động, năng suất lao động và các vấn đề xã hội khác như học tập, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề. Quốc hội đã thảo luận rất kỹ và được quy định trong Bộ luật Lao động. Việc đề xuất áp dụng quy định mới chỉ mang tính chất tạm thời trong bối cảnh dịch của dịch COVID-19. Vì vậy, theo ông Lê Đình Quảng, đề xuất bỏ trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng chỉ nên có thời hạn ngắn, tạm thời. Và trong tương lai phải có giải pháp tốt hơn, đó là nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho NLĐ chứ không phải kéo dài thời gian lao động bằng cách bỏ trần số giờ làm thêm.

Ông Quảng cho hay, Việt Nam là nước có thời giờ làm việc chính thức khá cao, thậm chí hàng đầu thế giới. Do đó, khi huy động làm thêm giờ mà bỏ trần theo quy định phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của NLĐ, đặc biệt đến điều kiện lao động.

Doanh nghiệp phải có các chính sách chăm lo cho NLĐ, để họ có sức khỏe lâu dài, có chính sách đãi ngộ, chăm sóc sức khỏe trực tiếp. Động viên khuyến khích động viên NLĐ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng đây chỉ là chính sách tạm thời. Về mặt lâu dài, phải tính toán yếu tố nâng cao năng suất lao động bằng khoa học công nghệ, quản trị một cách khoa học.

“NLĐ rơi vào thế “bất đắc dĩ” vì nếu không làm thêm giờ sẽ không thể đủ tiền trang trải cuộc sống. Và nếu bỏ trần 40 giờ làm thêm giờ mỗi tháng, doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ, chăm sóc sức khoẻ trực tiếp cho NLĐ”.  (Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐVN)


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn