MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ trưởng cùng 17 tỉnh có dịch họp khẩn chống dịch tả lợn Châu Phi

Khánh Vũ LDO | 14/03/2019 17:36
Thống kê đến 9h sáng 14.3, cả nước đã có 17 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, gần 23.500 con lợn bệnh đã phải tiêu hủy. Dịch tả lợn Châu Phi đã lan sâu vào miền Trung và đang đe dọa các thủ phủ chăn nuôi phía Nam.

Gần 23.500 con lợn bệnh đã bị tiêu hủy

Chiều 14.3, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn với 17 tỉnh có dịch tả lợn Châu Phi và các phòng, ban liên quan để ứng phó với nguy cơ lây lan của dịch bệnh này.

Đại diện 17 tỉnh đã nêu những khó khăn của địa phương trong quá trình ứng phó với dịch bệnh. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là thiếu thốn nhân lực, vật lực, khi "vắcxin không, thuốc không", người chăn nuôi và cơ quan thú y "chiến đấu" với bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ bằng hóa chất sát trùng, vôi bột...

Bộ NNPTNT họp khẩn với đại diện 17 tỉnh có dịch ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Kh.V

Báo cáo Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết: Từ ngày 1.2-14.3.2019 (cập nhật đến 9h00), dịch bệnh đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An. Đến thời điểm này, tổng số có 23.442 con lợn bị bệnh phải tiêu hủy.

"Bệnh dịch tả lợn Châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch ASF tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn” – ông Phạm Văn Đông nhấn mạnh.

Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15.11.2018 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

FAO cam kết hỗ trợ tối đa trên toàn cầu

Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam từ 1.2.2019, theo khuyến cáo của FAO, yếu tố sống còn là  phát hiện sớm và ứng phó nhanh, mục đích là phải tiêu diệt virus nhanh hơn sự lây lan của nó. Theo đó, cần điều tra ổ dịch, kiểm soát vận chuyển, xử lý và tiêu hủy, nghiêm cấm cho thức ăn thừa từ bếp ăn.

Về công tác chống dịch, theo Cục Thú y, tại các ổ dịch, mặc dù có các chốt kiểm dịch nhưng không kiểm soát chặt chẽ được phương tiện, người, động vật, sản phầm động vật. Thực tế là, tại Thái Bình, đoàn công tác của FAO và một số đoàn công tác khác đã phát hiện người dân chở lợn sống bằng xe máy trong thôn đang có dịch tại Thái Bình).

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: PV

Trên địa bàn các tỉnh, hầu hết là các cơ sở giết mổ (hộ gia đình) nhỏ lẻ không có cơ quan chức năng kiểm soát. Các địa phương chưa quản lý triệt những thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm, chết; việc quản lý những người tham gia truyền tinh lợn, buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,… chưa triệt để, dẫn đến đây là những yếu tố nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh.

Nhiều người tham gia xử lý tiêu hủy lợn bệnh chưa được tập huấn kỹ về an toàn sinh học cá nhân; một số người tham gia xử lý, tiêu hủy lợn bệnh đã làm lây lan dịch bệnh về đàn lợn của gia đình mình.

Để hỗ trợ Việt Nam dập dịch, FAO cam kết khả năng hỗ trợ đối với Việt Nam bằng các nguồn lực toàn cầu, khu vực. FAO cũng cam kết sát cánh hỗ trợ Việt Nam dập được dịch bệnh nguy hiểm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn