MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Không vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả kỳ thi

TX LDO | 01/08/2018 15:35

Ngày 1.8, báo cáo về tình hình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Tổ chức một kỳ thi quốc gia là đúng đắn 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong quá trình đổi mới thi, đã có nhiều tranh luận, góp ý. Có ý kiến đề nghị nên bỏ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) mà chỉ tổ chức thi Đại học, Cao đẳng. Việc này không thực hiện được vì trái với Luật Giáo dục. Hơn nữa, nếu bỏ thi, học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, kết quả học tập của học sinh sẽ không được quốc tế công nhận.

Có ý kiến đề xuất vẫn tổ chức thi nhưng thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương tổ chức; thi Đại học, Cao đẳng giao cho các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức. Phương án này cũng được cân nhắc nhiều vì nếu giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức, với bệnh thành tích, kết quả thi sẽ không công bằng khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó, địa phương này coi lỏng, địa phương khác coi chặt. Còn để các trường Đại học, Cao đẳng tự tổ chức thi, Bộ đã khuyến khích nhưng thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí, hơn nữa tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại.

Cuối cùng, phần lớn các ý kiến đã thống nhất tổ chức một kỳ thi quốc gia vừa đảm bảo mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Bộ đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý.

Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nào thay đổi lộ trình cải cách thi cử

Đề cập đến vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng.

“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 như sau: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao. Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với cương vị là Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo đã thẳng thắn nhận khuyết điểm.

Thủ tướng khẳng định, Thường trực Chính phủ và Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nào thay đổi lộ trình cải cách thi cử đã đặt ra, nhưng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu để tổ chức kỳ thi chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn