MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sản xuất nông nghiệp thuận thiên là xu hướng tất yếu. Ảnh: Nhật Hồ

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phát triển nông nghiệp thuận thiên không có nghĩa là không làm gì

NHẬT HỒ LDO | 21/03/2024 18:19

Chiều ngày 21.3, tại Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Tham dự Hội nghị có khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các cơ quan trong nước, các tổ chức tài chính, Chính phủ song phương, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quốc tế và trong nước cùng các hiệp hội ngành hàng…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên, để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Mô hình lúa tôm tại ĐBSCL được cho là thích ứng với biến đổi khí hậu, là mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên. Ảnh: Nhật Hồ

Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên, đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

“Tôi mong muốn chúng ta hiểu, trăn trở được câu chuyện nông nghiệp thuận thiên, dù những mô hình nông nghiệp thuận thiên chưa đủ lớn trở thành hàng hoá nhưng mang ý nghĩa lịch sử từng được chắt chiu, trân quý. Có lẽ, câu chuyện nông nghiệp thuận thiên rồi sẽ được cụ thể hoá thành giáo trình cho học sinh của Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Hoan nói.

Sau mùa lúa, nước mặn về, người dân sên mương chuẩn bị bơm nước mặn vào để nuôi tôm. Ảnh: Nhật Hồ

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ hơn 300 năm trước, những bước chân đầu tiên của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã thích ứng với nông nghiệp thuận thiên trên nền tôm – cá, lúa – cá, lúa – tôm,… đã làm sống dậy một thời của mảnh đất Nam Bộ.

Thông qua Hội nghị, các đối tác quốc tế, các quỹ tài chính quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên; mạng lưới kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực ĐBSCL được hình thành; các mô hình thuận thiên đã triển khai trong nước và quốc tế được chia sẻ và nhân rộng. Từ đó, đề xuất giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về Tiểu vùng Sông Mê Kông cho giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn