MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Các dự án đường sắt đô thị đã bộc lộ nhiều vấn đề

Đặng Chung - Nguyễn Hà - Trần Vương LDO | 03/11/2020 12:59
Giải trình ý kiến đại biểu về đường sắt đô thị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói "xin rút kinh nghiệm", tiếp thu các ý kiến. Ông cho biết đã rút ra nhiều bài học sau khi các dự án đường sắt đô thị bị chậm tiến độ.

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2020 và phương hướng năm 2021, các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề đường sắt đô thị liên tục chậm tiến độ, gây bức xúc trong cử tri.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội), Hà Nội và TPHCM đang trở thành các “siêu đô thị”, mỗi nơi 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng, tăng dân số cơ học mỗi năm khoảng 200.000 người, gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn TP.Hà Nội, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Việc xây dựng đường sắt đô thị được coi là giải pháp mang tính then chốt của cả 2 thành phố. Hiện một số tuyến đã được triển khai, tuy nhiên đều gặp vấn đề chung là dự án lớn, vốn đầu tư hàng tỉ USD nhưng chậm tiến độ, đội vốn, nhiều lần gây bức xúc dư luận. Chẳng hạn như dự án Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM), Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

Về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Thường bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ "tháo gỡ các vướng mắc để cuối năm nay vận hành, không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân".

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề đại biểu nêu, đặc biệt liên quan đến vấn đề đường sắt đô thị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, giúp tránh ùn tắc hiệu quả ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, ông thừa nhận, thời gian qua, các dự án đường sắt đô thị đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ.

"Chính phủ cũng đã chỉ đạo họp rất nhiều, các thành phố cùng với Bộ GTVT cũng họp rất nhiều. Qua những dự án hiện nay, chúng tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc.

Một là liên quan đến vấn đề quy hoạch đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Hai là trong quá trình đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, đối tác, tổ chức đấu thầu. Chúng ta cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm để lựa chọn được công nghệ, nhà thầu tốt cho các sự án sau" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Đặc biệt với các dự án sử dụng hợp đồng EPC, Bộ trưởng Thể cho biết sẽ có những giải pháp rõ ràng, giải phóng mặt bằng sạch để xác định giá trị dự án, tránh tình trạng điều chỉnh giá.

"Chúng tôi xin tiếp thu, sắp tới sẽ cùng các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn, để những dự án khởi công mới tránh được các tình trạng như hiện nay", Bộ trưởng nói.

Về vấn đề xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, công tác xây dựng cơ bản đã đạt được kết quả rất tốt, đặc biệt là năm 2020.

Cụ thể đến 30.10.2020, theo thống kê, cả nước đã giải ngân được 60%. Riêng ngành GTVT được bố trí gần 40.000 tỉ để giải ngân trong năm 2020. Đến 30.10, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 29.000 tỉ, chiếm 73,3% - cao hơn bình quân cả nước khoảng 10%.

Có được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các địa phương đã vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng, cùng sự quyết liệt của Bộ đã đạt được một số kết quả.

Với vấn đề hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay Bộ GTVT đang nghiên cứu 7 dự án cao tốc tại khu vực và sẽ chọn những tuyến trọng điểm để đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có trên 300 km đường cao tốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn