MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp với tỉnh Gia Lai. Ảnh Thanh Tuấn

Bộ Y tế: Công tác phòng chống dịch COVID-19 của Gia Lai gặp nhiều khó khăn

THANH TUẤN LDO | 03/02/2021 18:43
Đại diện Bộ Y tế đánh giá, công tác phòng chống dịch của tỉnh Gia Lai còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm, tốc độ thực hiện truy vết, lấy mẫu chưa cao.

This browser does not support the video element.

Ngày 3.2, nhiều tuyến phố của TP.Pleiku, Gia Lai đang bị kiểm soát để truy vết F1 do có ca dương tính SARS-CoV-2.

Chiều nay 3.2, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai để bàn về phương án phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, khi dịch đang có xu hướng lan rộng và diễn biến phức tạp.

Tại cuộc họp có sự tham dự của đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TPHCM, bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy.

Đến thời điểm hiện tại, ngày 3.2, Gia Lai có 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, dịch bệnh đã lan rộng 5 huyện, thị xã, thành phố gồm: Ayun Pa, huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, TP.Pleiku.

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Phan Trọng Lâm- Viện trưởng viện Pasteur TP.HCM cho rằng, việc cần làm của tỉnh Gia Lai là tiếp tục nâng cao công tác truy vết, nâng cao công suất xét nghiệm.

“Chúng tôi đang điều 2 máy tự động tách chiết mẫu hiện đại từ Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP.HCM ra giúp CDC Gia Lai nhằm tăng công suất tách chiết mẫu, nhằm giải phóng sức lao động cho kỹ thuật viên xét nghiệm”.

Theo ông Lâm, kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm cần thiết phải tập huấn thuần thục cho các Trung tâm y tế, kể cả tuyến huyện và tỉnh.

Kể cả sau này khi có vaccine thì công cuộc phòng chống dịch còn lâu dài. Trong thời gian tới, không loại trừ có thêm các đại dịch khác xảy ra, ông Phan Trọng Lâm khuyến cáo cần thiết phải có sẵn kịch bản chống dịch để chủ động.

Ông Viên Chinh Chiến – Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, hiện nay, đã truy vết được 259 F1, và hầu hết đều đã được xét nghiệm.

Ngành y tế cũng đã truy vết được hơn 1.000 F2. Sắp tới, nếu dịch lan rộng, nếu lấy cả F1, F2 để truy vết thì sẽ khoảng tầm 3.000 mẫu/ngày.

“Chúng ta đang thiếu lực lượng lấy mẫu, tuy vậy cán bộ, nhân viên của Viện sẽ bám trụ đến cùng ở điểm nóng cho đến khi hết dịch”, ông Chiến nói.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, công tác phòng chống dịch của Gia Lai chưa có kinh nghiệm, địa bàn giáp với đường biên giới kéo dài nên gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Bộ Y tế đề nghị Gia Lai kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch từ thôn đến tỉnh. Các địa phương chưa có dịch phải coi như có dịch để sẵn sàng phòng chống, thần tốc truy vết F1. Đề nghị nâng công suất xét nghiệm, ít nhất 3.000 mẫu/ngày. Ngành Y tế cần nâng cao năng lực trưng dụng, huy động nhân lực các trường Y tế, lực lượng sinh viên, các bệnh viện chuyên khoa. Đề nghị 100% F1 phải cách ly tập trung, sẵn sàng chuẩn bị các khu cách ly để tránh bị lúng túng. Dự phòng các khách sạn để cách ly riêng cho nhân viên y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn