MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số lượng chức danh GS, PGS từ năm 2009 đến 2017. Đồ hoạ: HN

“Bội thực” chức danh, nghèo nàn về sáng tạo

HUYÊN NGUYỄN LDO | 05/02/2018 06:15
Số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng đột biến cùng sự bùng nổ các cơ sở đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ đang khiến dư luận lo ngại về chất lượng và những đóng góp thiết thực của các nhà khoa học đối với cộng đồng.

Thậm chí, nhiều nghịch lý xảy ra như trường càng nổi tiếng càng khó tuyển sinh, “lạm phát” chức danh nhưng thiếu vắng sáng chế, không tuyển sinh được đại học nhưng cao học vẫn tăng cao, những người “có tiếng” nhiều lần trượt công nhận chức danh hay những tin đồn và “chung chi” làm phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS)... là những vấn đề đáng lo ngại.

“Chuyến tàu vét số hiệu 174?”

Có người còn ví von cuộc xét hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2017 giống như “chuyến tàu vét” hay “cưới chạy” cũng có nguyên nhân khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán. Bởi vì số lượng người được phong GS, PGS tăng đột biến vào thời điểm được coi là “nhạy cảm” - chỉ còn 1 năm nữa sẽ áp dụng tiêu chuẩn mới về phong chức danh GS, PGS theo chiều hướng siết chặt hơn.

Theo quy định mới, ứng viên phải có ít nhất 1-2 bài báo công bố quốc tế. Đây được xem là một rào cản rất lớn đối với nhiều người khi năng lực có hạn trong việc sử dụng ngoại ngữ, đề tài không hấp dẫn, không có tính khoa học cao khiến các bài báo khoa học bị tập san quốc tế từ chối đăng tải. Mà theo nhiều chuyên gia quy định này có thể loại từ 50 đến 70% đối tượng xét hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn quan niệm “càng dễ càng tốt” nên đổ xô làm hồ sơ đề nghị công nhận nhân lúc giao thời.

Trước lo ngại về chất lượng GS, PGS, trao đổi với phóng viên, GS Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, cho biết, chất lượng vẫn đảm bảo, thậm chí tốt hơn. Việc tăng số lượng GS, PGS là lý do khách quan bởi năm nay, thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng và chuẩn bị áp dụng quy chế mới thay thế Quyết định 174.

Để chứng minh về chất lượng đảm bảo, GS Nhung dẫn chứng số lượng công bố quốc tế, giảng viên trực tiếp giảng dạy, khả năng giao tiếp tiếng Anh tăng...

Tuy nhiên, những giải thích này không khiến dư luận hết trăn trở khi một thực tế là công bố quốc tế của chúng ta vẫn kém xa so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia (năm 2016, bằng khoảng 1/2 Thái Lan, 1/5 Singapore, 1/5 Malaysia). Không chỉ số lượng ít, chất lượng các công bố thông qua chỉ số trích dẫn của Việt Nam cũng kém hơn so với các nước ASEAN, nhất là Philippines và Singapore.

Bên cạnh đó, nghiên cứu Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào “ngoại lực”, tức là có tới 80% các công trình khoa học đứng tên chung hoặc hợp tác với người nước ngoài.

Về các sáng chế phục vụ cộng đồng, dư luận ít biết đến sáng chế của các GS-PGS-TS, trong khi một số nông dân đã có những sáng chế mang tầm quốc tế như ông Phạm Văn Hát học hết lớp 7, ở Tứ Kỳ, Hải Dương sáng chế ra nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước; ông Cao Phát Triển với hệ thống phun thuốc và tưới tự động điều khiển bằng điện thoại; ông Bùi Sỹ Tới với máy cày sử dụng riêng cho ruộng bậc thang...

Trong khi đó, một số đề tài tiến sĩ (TS) được hướng dẫn bởi những PGS, GS tên tuổi được xem là có phần viển vông, xa rời thực tế như “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã”, “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách…”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”...

“Chung chi” làm khoa học?

Một điều đáng buồn nữa là những vị có tên tuổi, có “tầm” trong giới chuyên môn lại không được công nhận hoặc “quá tam ba bận” mới vượt qua được cửa ải “bỏ phiếu”. Trong ngành luật có thể kể đến như ông Nguyễn Ngọc Điện (Phó hiệu trưởng Trường Kinh tế - Luật thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM; Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp) 4 lần xét; ông Lê Hồng Hạnh (nguyên Hiệu phó Trường ĐH Luật Hà Nội, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp; hiện là Viện trưởng Viện ASEAN Hội Luật gia VN) 6 lần xét; ông Nguyễn Ngọc Hòa (nguyên Hiệu phó Trường ĐH Luật Hà Nội) 7 lần xét.

Ông Hoàng Thế Liên (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Phó viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) 9 lần xét nhưng nay vẫn chưa được... Trong khi đó, có nhiều người hoạt động chuyên môn mờ nhạt, không có nhiều đóng góp lại xét 1 lần “ăn ngay”.

Hay chuyện PGS Nguyễn Ngọc Châu cũng rất đáng suy nghĩ khi xét duyệt đến lần thứ 9 vẫn không được phong GS. PGS Nguyễn Ngọc Châu cho rằng các điều kiện để được phong GS hoàn toàn đủ thậm chí thừa, nhưng chỉ trượt ở vòng bỏ phiếu.

Theo một TS hiện làm lãnh đạo cơ quan báo chí, thường xuyên hướng dẫn và giảng dạy cao học, nghiên cứu sinh cũng tiết lộ: “Trong giới làm nghiên cứu có lẽ không còn xa lại với khái niệm “chung chi”. Tức là cùng góp tiền để chi tiêu vào một việc gì đó. Tôi thường được gợi ý “chung chi” để làm hồ sơ công nhận chức danh PGS.

Với tôi, điều kiện để được công nhận chức danh PGS có thừa và tôi làm nghiên cứu khoa học thực chất chứ không phải một cái danh nào cả nên tại sao phải bỏ tiền để “chung chi” làm gì. Như vậy làm mất đi ý nghĩa của các chức danh. Vì thế, tôi từ chối tham gia vào cuộc chạy đua chức danh này.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa ai được phong chức danh cũng đều phải chung chi, thực tế, nhiều người họ cũng có những đóng góp tích cực cho khoa học mà không ai có thể phủ nhận được”, vị TS này cho biết.

Cốt chỉ lấy tấm bằng

Bên cạnh những nhức nhối được phong chức danh thì hoạt động đào tạo sau đại học cũng đang khá nhiều vấn đề đáng nói. Chưa bao giờ hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ (Ths), TS lại nở rộ và dễ dàng như hiện nay.

Đón đầu nhu cầu cần có tấm bằng để “thăng tiến” của nhiều công chức, viên chức, nhiều học viện, trường đại học đã tăng quy mô, số lượng chuyên ngành đào tạo sau đại học. Thậm chí, nhiều cơ sở điều kiện vừa thiếu, vừa yếu thì mở ngành theo hình thức liên kết.

Theo Bộ GDĐT, tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có 180 cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ với quy mô 105.801 học viên (tăng 12,8% so với năm học 2015-2016). Số ĐH, học viện trong năm học trên là 235.

Chất lượng thực học, thực thi cũng như giá trị của bằng cấp này đến đâu thì khó thẩm định. Thế nên mới có chuyện những “lò” đào tạo TS.

Chính việc “bùng nổ” các chương trình, trường đào tạo đã dẫn đến một điều nghịch lý trường càng uy tín càng khó tuyển sinh. Bởi các học viên sẽ “né” những nơi khó nhằn bởi nếu chỉ cần một tấm bằng thì “ngu gì chọn trường khó”. Vì thế, nhiều đại học có uy tín liên tục trong vài năm qua có số lượng tuyển sinh sau đại học giảm từng năm như các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội... Trong khi đó, có trường không tuyển được thí sinh nào cho bậc đại học chính quy nhưng tuyển sinh sau đại học vẫn “tưng bừng”.

Đương nhiên, nhiều GS, PGS, TS, Ths thì càng tốt, nhưng thực chất cái người dân cần là hiệu quả thực tiễn, chứ không chỉ chức danh để thăng tiến hay để viết danh thiếp cho oai. Vấn đề đang khiến dư luận bức xúc là phải chăng Việt Nam đang có xu hướng phổ cập chức danh học hàm, học vị? Với đà tăng trưởng như thế này, tình trạng “tiến sĩ giấy”, “bội thực” chức danh sẽ tiếp tục đến khi nào?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn