MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bón sữa tươi, trứng gà cho cây: Thế giới đã làm, nhưng không phải cho lúa

Lục Tùng LDO | 01/03/2020 19:14

Sau thông tin về một nông dân ở An Giang trồng lúa bón sữa tươi, trứng gà thay phân thuốc, các nhà nghiên cứu nông nghiệp cho rằng nhiều quốc gia nước ngoài đã làm từ lâu. Tuy nhiên, không phải áp dụng cho cây lúa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Tòng Anh – nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên (Đại học An Giang), xác nhận: Tại một số quốc gia trên thế giới, có sử dụng sữa bón cho cây trồng như một dạng phân bón. Các nghiên cứu khoa học quốc tế cũng khẳng định, sữa mang lại nhiều giá trị cho cây trồng. Ngoài việc giúp tăng trưởng, sữa còn giúp cải thiện sự thiếu hụt canxi của cây trồng...  

Đồng quan điểm này, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cũng lưu ý thêm rằng, trong tất cả các trường hợp này, người ta đều dùng phụ phẩm và phế phẩm từ nhà máy chế biến sữa, tức sữa có giá trị kinh tế rất thấp.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng khẳng định, đến nay chưa có tài liệu thể hiện và khuyến cáo sử dụng sữa tươi để bón trồng cây trồng theo hướng thương mại như trường hợp của nông dân trồng lúa ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Ruộng lúa ở huyện Phú Tân (An Giang) được cho là cây lúa được bón sữa tươi, trứng gà. Ảnh: TL

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lưu ý rằng, các tài liệu khoa học trên thế giới cho thấy, sữa được dùng vào cây trồng có đời sống lâu năm, chứ không phải vào loại cây trồng có vòng đời ngắn (3 tháng) như cây lúa.

Lý giải điều này, thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - chuyên gia nghiên cứu độc lập về nông nghiệp ở Đồng Tháp - cho biết, theo cơ chế sinh học, thực vật không có khả năng tự hấp thu trực tiếp protein từ sữa, trứng... như động vật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (bìa trái ảnh) trong lần thực địa nông nghiệp. Ảnh: TL

Theo thạc sĩ Tuyên, cây lúa chỉ hấp thu được dinh dưỡng từ sữa sau khi protein này đã chuyển hóa thành amino a-xít. Nhưng điều này bản thân cây lúa, cũng như nhiều loại cây trồng không tự làm được.

Thạc sĩ Tuyên phân tích: Thực tế cây lúa chỉ có thể dựa vào quá trình chuyển hóa tự nhiên để hấp thu protein có nguồn gốc động vật, như sữa, trứng... Nhưng trong thực tế, quá trình này cần đến vài tháng, thậm chí cả năm mới hoàn thành. Trong khi đó, phần lớn vòng đời lúa cao sản hiện nay chỉ diễn ra trong khoảng 3 tháng. Nói cách khác, bón sữa cho lúa, lúa chẳng hấp thu được.

Với kinh nghiệm của người có nhiều năm làm công tác khuyến nông, thạc sĩ Tuyên cho rằng, nên xem đây là cơ hội để tuyên truyền thúc đẩy trong lĩnh vực canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Bởi trên thực tế, không chỉ có nông dân mà cả cán bộ làm công tác nông nghiệp cũng chưa vững chắc về kiến thức khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng với hệ lụy là áp dụng nhiều biện pháp trong canh tác, trong đó có cả vấn đề phi khoa học. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn