MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Bóng hồng” duy nhất còn giữ nghề lò rèn ở làng Đa Sỹ suốt 30 năm qua

KIM ANH LDO | 07/03/2021 17:05

Bằng sự tâm huyết với nghề, suốt hơn 30 năm qua bà Đỗ Thị Tuyến (56 tuổi) cần mẫn bên bếp lửa đỏ rực, gắn bó với lò rèn, búa đe dù đây là công việc chuyên dành cho những người đàn ông.

Nghề của đàn ông

Nằm nép mình bên dòng sông Nhuệ, căn nhà của bà Đỗ Thị Tuyến (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng đập búa, rèn dao, tiếng va chạm của sắt thép. Đối với bà Tuyến, tiếng búa chan chát suốt ngày là một phần không thể thiếu từ những ngày tháng tuổi thơ cho đến tận bây giờ. Bà là người phụ nữ duy nhất ở làng rèn Đa Sỹ hiện nay còn gắn bó với nghề.

This browser does not support the video element.

Video: Người phụ nữ suốt 30 năm qua vẫn giữ nghề lò rèn ở làng Đa Sỹ.

Bà Tuyến kể, năm 12 tuổi, sau những buổi tới trường, bà lại chạy đến những cơ sở rèn trong làng để làm phụ giúp thay vì thêu thùa, may vá như những người con gái khác.

Ban đầu, công việc chỉ là cắt thép, lấy nước nhưng với sự tò mò, bà bắt đầu học hỏi kinh nghiệm từ những người khác và vận dụng để chế những miếng thép thừa trong xưởng thành những sản phẩm của riêng mình.

Bà Đỗ Thị Tuyến đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề dao kéo thủ công. Ảnh: Kim Anh

Chia sẻ về khó khăn trong nghề, bà Tuyến cho hay, nghề này đàn ông làm là chính, vì vậy là phụ nữ nên cũng bị hạn chế nhiều về sức khỏe. Quanh năm phải tiếp xúc với khói than độc hại, tiếng ồn lớn nên tai bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhất là trong những ngày hè nóng nực, ngồi bên bếp than lửa với tiếng đe, tiếng búa gõ chan chát khiến không ít người đã phải bỏ nghề.

Những ngày hè nóng nực 37 đến 38 độ C, nhọc nhằn ngồi bên lò rèn để làm ra sản phẩm khiến bà Tuyến càng thêm trân trọng cái nghề của mình hơn.

Để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt, theo bà Tuyến, khâu quan trọng nhất và đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là tôi thép và làm nguội. Các khâu đều có sự liên quan chặt chẽ đến nhau, từ đầu cho đến khi hoàn thành. Mỗi hộ rèn ở làng Đa Sỹ đều có bí quyết riêng nhưng điểm chung là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao, cây kéo sắc bén.

“Khi nào cảm thấy không làm được nữa, tôi mới nghỉ”

“Nghề rèn cũng như những nghề khác, lúc thăng lúc trầm nhưng có đam mê với nghề thì nghề cũng không phụ lòng người” - bà Tuyến chia sẻ.

Qua quãng thời gian làm nghề hơn 30 năm qua, bà Tuyến có nhiều kỉ niệm vui buồn, dù có nhiều lần bị bỏng, bị đứt tay có những sản phẩm chưa ưng ý nhưng bà luôn nói với con cháu rằng “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Chỉ vào vết sẹo bị bỏng trên cánh tay, bà Tuyến kể, làm nghề này bị bỏng là chuyện không thể tránh khỏi. Có những lần bị bỏng bà phải nghỉ hàng tuần. Thế nhưng, nghỉ được vài hôm bà lại nhớ nghề, vết thương chưa lành bà đã tiếp tục với công việc.

Những sản phẩm bà làm ra đều rất tinh xảo, được nhiều người dùng đón nhận.
Để rèn những con dao, cây kéo tốt, ngoài thép tốt thì mỗi một lò rèn lại có một bí quyết riêng.

Bà Tuyến còn nhớ như in ngày đầu tiên bà làm ra được con dao “cổ thép” và được nhiều người đón nhận. Lúc đó bà cảm thấy rất vui vì đã góp được phần nào công sức cho người lao động.

Theo bà, trung bình một ngày gia đình bà sản xuất được 20 con dao lớn, nhỏ với mức giá từ 50.000 - 200.000 đồng/chiếc. Trước đây, chủ yếu là làm thủ công, hiện nay, máy móc đã bắt đầu được đưa vào sử dụng để giảm bớt sức lao động. Các sản phẩm của bà làm theo đơn đặt hàng là chính, phân phối trong nước và nước ngoài.

Bà luôn tâm niệm rằng, vì yêu, vì trân quý cái nghề mà bà luôn muốn giữ lại tay nghề, truyền lại cho con cháu. “Còn sức khỏe là tôi còn làm, khi nào cảm thấy mình không thể làm được nữa thì tôi mới nghỉ” - bà chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn