MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Bớt tiền mua một bao trấu để đốt là có thêm vài suất ăn cho người nghèo”

SỞ HẠ LDO | 12/12/2019 16:35
Người dân Thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi với những chiếc bao tải treo lủng lẳng phía sau yên xe. Trên đường, cứ gặp vỏ những trái dừa tươi, vỏ chai nhựa hay những mảnh vỡ thủy tinh vứt lăn lóc là bà dừng lại nhặt…

Người phụ nữ này là bà Mai Thị Mạnh, 65 tuổi, ở phường Lái Hiếu, Thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Giải thích về việc này, bà Mạnh cho biết: Bà chủ yếu đi nhặt vỏ dừa về phơi khô đem cho bếp ăn từ thiện ở bệnh viện giúp giảm chi phí mua chất đốt.

Bà Mạnh nhặt vỏ dừa trên các tuyến đường. Ảnh. S.H

Bà Mạnh kể, trước đây, một lần vào viện, thấy bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện đa khoa thị xã Ngã Bảy hàng ngày phải nấu gần 1.000 suất ăn và hàng trăm lít nước cho bệnh nhân nghèo. Việc nấu ăn cần phải có chất đốt mà chi phí mua trấu khá cao. Vợ chồng bà cũng tham gia quyên góp, nhưng khả năng có hạn.

Thấy xung quanh, vỏ dừa uống xong bỏ lăn lóc rất nhiều, vừa mất mỹ quan, trong khi nếu tận dụng được, vỏ dừa có thể làm chất đốt thay thế rất tốt. Thế là nhiều tháng nay, ngày ngày, bà chạy xe máy quanh thị xã, gặp ở đâu có vỏ dừa vứt lăn lóc là bà nhặt mang về. “Một bao trấu để đốt tốn hơn 20 ngàn. Bớt tiền mua 1 bao trấu là có thêm vài suất ăn cho người nghèo” – bà Mạnh thật thà so sánh.

Ông Khỏe chặt dừa phơi khô. Ảnh: S.H

Ông Mai Văn Khỏe (74 tuổi, chồng bà Mạnh) cho biết: Hàng ngày bà đi chở vỏ dừa, còn ông ở nhà chặt nhỏ ra phơi khô, sau đó gom vào bao để chở đến cho bếp ăn ở bệnh viện. Vợ chồng già rồi, làm được thì ráng làm, mong sao giúp những trường hợp khó khăn được phần nào đỡ phần đó.

Bà Mạnh đi nhặt vỏ dừa mang về. Ảnh: S.H

Bà Nguyễn Thị Oanh, 54 tuổi, hàng xóm của gia đình bà Mạnh cho biết: Thấy vợ chồng bà Mạnh có cách làm hay giúp đỡ người khó khăn nên cả bà và con trai bà cũng tham gia phụ 1 tay. Hàng ngày, bà Oanh phụ giúp chặt vỏ dừa hoặc nhặt vỏ những chỗ gần, con trai bà phụ chở vỏ dừa lên bệnh viện. Bà Oanh chia sẻ: Bà lớn tuổi rồi, ở không cũng không biết làm gì, làm được việc giúp người cũng vui mà vận động khỏe trong người hơn.

Vỏ dừa sau khi khô được cho vào bao. Ảnh: S.H

Không chỉ đi nhặt vỏ dừa làm chất đốt, trên đường, nếu gặp vỏ chai nhựa hay mảnh vỡ thủy tinh, bà Mạnh cũng dừng lại nhặt. Bà Mạnh giải thích khá đơn giản: Nghe báo đài tuyên truyền vỏ chai nhựa gây ô nhiễm môi trường, không biết sao, nhưng cứ thấy ai vứt là bà nhặt, coi như góp được gì thì góp. Còn mảnh chai, bà sợ những người lao công làm việc trong đêm không thấy rất nguy hiểm. “Tui đã từng thấy cảnh này rồi, rất thương những người lao công không may gặp phải” – bà Mạnh cho biết. 

Cô nhặt vỏ chai. Ảnh: S.H

Bây giờ, người dân ở thị xã Ngã Bảy đã quá quen với công việc cần mẫn giúp người bằng việc làm thiết thực của bà Mạnh. Nhiều người có đồ cũ cần cho, bà Mạnh cũng nhận luôn nhiệm vụ làm “trung gian” mang về các xóm nghèo, tìm những nhà khó khăn trao lại cho những người cần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn