MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuẩn bị bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Bông Sao (TPHCM). Ảnh: Huyên Nguyễn

Bữa ăn bán trú tại trường học: Bắt buộc phải an toàn

HUYÊN NGUYỄN LDO | 24/11/2022 06:26

Thời điểm này, các trường học tại TPHCM tiếp tục tăng cường công tác quản lý bếp ăn, thực hiện thanh kiểm tra đột xuất và sự vào cuộc giám sát của các bậc phụ huynh. 

Giám sát chặt chẽ đầu vào, đầu ra

Với khoảng hơn 1.600 học sinh tham gia bán trú mỗi ngày, từ 4h30, bộ phận nhà bếp của Trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8, TPHCM) đã bắt đầu làm việc. Công việc đầu tiên và vô cùng quan trọng là tiếp nhận thực phẩm.

Ông Lê Thành Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường ký hợp đồng đặt mua thực phẩm từ đơn vị cung cấp nằm trong chuỗi cung ứng đạt chứng nhận an toàn thực phẩm của thành phố, có đầy đủ về pháp lý. 

“Việc nhập hàng chưa sơ chế sẽ vất vả một chút nhưng tỉ lệ an toàn cao hơn. Thực phẩm đã qua sơ chế rất khó để kiểm soát, nhận biết độ tươi ngon như thế nào. Chúng tôi phòng tránh bằng cách mua nguyên trái, nếu cắt ra phát hiện bị hư thì sẽ trả lại đơn vị cung ứng. Người được phân công tiếp nhận phải có trách nhiệm giám sát cả về chất lượng, số lượng thực phẩm” - ông Sơn cho hay.

Trong khâu sau đó, nhân viên bếp ăn sẽ thực hiện quy trình 1 chiều dưới sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của nhà trường. Đáng chú ý, mỗi ngày sẽ có 1 vị là đại diện ban giám hiệu, thanh tra nhân dân, y tế… làm nhiệm vụ kiểm tra, nếm thức ăn để đảm bảo rằng các món ăn đúng mùi, vị, không bị ôi thiu, hư hỏng… trước khi giao đến học sinh.

Tăng cường kiểm tra đột xuất 

Với điều kiện cơ sở vật chất, số lượng học sinh không phù hợp để thực hiện bếp ăn tại trường nên Trường Tiểu học Hồng Đức (Quận 8, TPHCM) đã tổ chức bữa ăn bán trú theo hình thức suất ăn công nghiệp.

Bà Phùng Lê Diệu Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Đức cho biết, nhà trường lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường đảm bảo các yêu cầu, tiêu chí và được Ban An toàn vệ sinh thực phẩm cấp chứng nhận đảm bảo điều kiện theo quy định và đã có 20 năm kinh nghiệm. Việc kiểm tra, giám sát được trường thực hiện thường xuyên và liên tục với đơn vị cung cấp suất ăn chứ không chỉ sau khi có sự vụ, sự cố nào.

“Trước khi giao đồ ăn cho học sinh, hiệu trưởng sẽ là người trực tiếp kiểm tra, thử đồ ăn trước. Bộ phận Y tế sẽ thực hiện lưu mẫu theo quy trình của Sở Y tế” - bà Hạnh cho hay.

Còn tại Trường THCS Minh Đức (Quận 1, TPHCM), nhiều năm qua đều huy động sự tham gia của phụ huynh vào tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Phụ huynh giám sát ở tất cả các khâu từ tiếp phẩm, chế biến cho đến thành phẩm bữa ăn của học sinh.

Mới đây, Bộ GDĐT cũng phát đi công văn đề nghị các tỉnh, thành tăng cường biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học, nhằm đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho học sinh. 

Bộ yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thức ăn, tuân thủ quy trình ba bước và lưu mẫu theo quy định….

Các trường thực hiện nghiêm túc Luật An toàn thực phẩm và các quy định có liên quan của Bộ Y tế; tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền trong việc đảm bảo dinh dưỡng; huy động ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia các hoạt động thanh, kiểm tra để giám sát việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Cần thực hiện tốt chỉ thị 17 của Ban Bí thư

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ thị đặt ra yêu cầu: “Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.  

Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 17 cũng đặt vấn đề “Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững”.

Theo dõi sát biểu hiện của trẻ

Trao đổi với Lao Động về xử lý sự cố trong an toàn thực phẩm ở lứa tuổi trẻ em, bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm - COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) nhấn mạnh, khi xuất hiện những triệu chứng về đường tiêu hóa như: Sốt, nôn ói, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tiêu phân có máu… cần quan sát theo dõi từng đối tượng để có hướng xử trí kịp thời, đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị. Đối với trẻ em cần quan sát thóp, mắt trũng xuống, li bì, tiểu ít. Đối với trẻ lớn hơn, người sẽ mệt mỏi, lừ đừ, môi khô, tiểu ít… Để phòng bệnh, cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn.

Có những lỗi sai không thể sửa

Đứng trên cương vị quản lý, một lãnh đạo nhà trường tại TPHCM bộc bạch: “Để quản lý bếp ăn bán trú của trường học không phải chuyện dễ dàng, nói đến ngộ độc thực phẩm là ai cũng sợ lắm, rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, khi đã thực hiện thì cần tổ chức chỉn chu, đặt an toàn lên trên hết. Như vụ ngộ độc tại Nha Trang, thầy hiệu trưởng có chia sẻ là lỗi không thể sửa.

Có những lỗi khác có thể sửa được nhưng liên quan tới tính mạng con người là sự áy náy lương tâm suốt cả cuộc đời. Dù là có hình phạt cảnh cáo, thậm chí là đuổi việc… thì nỗi buồn đó còn ít hơn là để xảy ra rủi ro tới học sinh. Vì thế, tất cả mọi người cần chung tay để bữa ăn an toàn cho học sinh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn