MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bữa cơm chan nước trắng của học sinh vùng cao ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG LDO | 11/02/2023 13:16

Đắk Lắk - Nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao ở Đắk Lắk vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Việc ăn uống của các em còn hết sức đạm bạc, thiếu chất.

Ăn uống đạm bạc

Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, cũng như bao em học sinh khác trên cả nước, những em nhỏ đang theo học ở Trường tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) lại cắp sách đến trường, tiếp tục chương trình còn đang dang dở.

Khác với bạn bè đồng trang lứa đang tuổi ăn tuổi lớn, ngây thơ, tâm hồn như trang "giấy trắng", chúng tôi nhìn thấy được đôi mắt "vô hồn", mỏi mệt và tiều tụy của những em nhỏ nơi đây. Hỏi ra mới biết, chúng ăn thiếu chất trong suốt một thời gian dài.

Một số thầy cô giáo ở trường nói rằng: "Có hôm gặp những em mặt bất thần và hỏi ra mới biết đói quá, sắp xỉu, nên chúng tôi vội vàng đi mua đồ ăn cho các em".

Em Vàng Xuân Trường (lớp 5, Trường tiểu học Nơ Trang Lơng) - cho biết: "Nhà quá nghèo nên em đành ăn cơm không. Ông bà thì có khi cho 20.000 đến 30.000 đồng để mua đồ ăn mang lên. Nhiều khi em không có đồ ăn, phải ăn cơm không, khổ lắm. Tuy vậy, may ở đây có các bạn và thầy nên em cũng muốn học chữ".

Bố Trường không may qua đời, mẹ bỏ đi. Trường ở với ông bà nội nhưng vì nhà xa, em phải xin ở lại cùng thầy và các bạn và thỉnh thoảng mới về nhà. Đã 3 năm ở đây, em phải tự lập, ngoài giờ đi học, em nấu cơm, tự chăm sóc mình. Nhưng hết ngày này qua tháng khác, em chỉ ăn cơm trắng, hiếm hoi lắm mới có được ít thức ăn nhưng rồi cũng chẳng thấm vào đâu. 

Trường (áo xanh) cùng bạn chan nước lọc vào cơm. Ảnh: Bảo Trung

Bữa ăn của học sinh ở đây đôi khi chỉ có cơm và nước. Ảnh: Bảo Trung

Trường tiểu học Nơ Trang Lơng hiện có 239 học sinh, đều là dân tộc thiểu số và nằm cách xa trung tâm huyện M’Đrắk gần 30km. Năm học 2022-2023 nhà trường có 239 học sinh, 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số gồm Êđê, Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Sán Dìu.

Nhiều em nhà rất xa, cách trường hơn 15km. Vì không đủ số lượng phòng để tổ chức học bán trú nên Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện cho 44 em xin ở lại để sinh hoạt, học tập.

Em Ma Thanh Sơn (lớp 3) tâm sự: "Em thích ở lại trường cùng các bạn. Có tuần thì chú đón em về, có tuần thì không, em ở lại tự nấu cơm ăn, tự giặt đồ và quần áo để thứ 2 còn đi học".

Thương học sinh như con

Có dịp ở lại trường, chúng tôi tận thấy ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhóm học sinh ở đây đã biết chẻ củi, nấu cơm, rất sỏi. Thổi cơm xong, 4 đến 5 em đánh chén bát cơm trắng ngon lành, chẳng có rau hay thịt cá gì.

Các em học sinh thay nhau nấu cơm ở trường. Ảnh: Bảo Trung 

Nhà trường cũng có thầy giáo là thầy Lê Vũ Yên vì nhà xa nên thường xuyên ở lại, hỗ trợ các em trong việc sinh hoạt, phòng khi có sự cố xảy ra. Bởi, các em tuy trưởng thành trước tuổi nhưng còn bé bỏng, chưa hiểu chuyện.

Các em ngồi cạnh nhau ăn bữa cơm chiều. Ảnh: Bảo Trung

Thầy Yên nhìn học sinh của mình nói: "Tôi coi các em như con của mình, vì các em cũng gần bằng tuổi như con tôi. Nhưng so với các nơi khác, học sinh của tôi rất tự lập và thiếu thốn đủ thứ, một bữa ăn ngon cũng là ước mơ của chúng. Tôi rất thương, thỉnh thoảng tôi cho các em ít thức ăn để dùng với cơm, thầy và trò cùng ở cùng sinh hoạt như 1 gia đình.

Ông Bùi Văn Cương - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nơ Trang Lơng - cho biết: "Nhận thấy sự khó khăn của các em học sinh trên địa bàn, cứ mỗi tuần Ban Giám hiệu nhà trường cùng thầy cô giáo nấu cho các em bữa thức ăn, có thịt, thức ăn hoặc bún. Nhưng một tuần trường chỉ hỗ trợ các em được một bữa còn lại thì phải tự túc. Bên cạnh sự đóng góp của thầy cô, các Mạnh Thường Quân đôi lúc cũng đóng góp hỗ trợ quần áo, lương thực để giúp đỡ thêm cho các em".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn