MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám sàng lọc cho người dân thôn Kon Kum (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ảnh: T.TUẤN

“Bữa tiệc” có nhiều ca tử vong tại Kon Tum: Tập trung điều trị những bệnh nhân còn lại

THANH TUẤN LDO | 12/03/2021 07:54
Liên quan đến vụ các ca bệnh tử vong sau bữa tiệc “tết chuồng trâu” ở thôn Kon Kum, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum - cho biết,theo đánh giá ban đầu thì nhiều khả năng do ngộ độc thực phẩm.

Bữa tiệc “tết chuồng trâu” của người bản địa

Trước đó, nhiều người dân thôn Kon Kum, xã Măng Cành, huyện Kon Plông tổ chức ăn “tết chuồng trâu” - một phong tục đầu năm mới của người bản địa.

Sau khi ăn xong, 6 người ngồi cùng mâm tiệc có biểu hiện bị sốt, nôn ói, đau bụng... Trong đó, anh A.V (36 tuổi), bà Y.N (65 tuổi) được xác định là tử vong tại bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân tử vong là do suy hô hấp, viêm não, viêm phổi…

Bệnh nhân nam lớn tuổi là Y.K (64 tuổi) sau khi ăn tiệc về thì bị đau bụng, đau sau lưng, thể trạng suy kiệt nhưng không đi khám bệnh, không uống thuốc và tử vong tại nhà.

Ngành Y tế Kon Tum xác định 3 trường hợp còn lại sau khi ăn bữa tiệc cũng có các triệu chứng tương tự gồm: A.L, A.V (cùng 24 tuổi) và A.D (25 tuổi). Các bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đang chờ kết luận chính thức

Theo ông Võ Văn Thanh, qua điều tra, xác minh ban đầu, có sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của Cục An toàn thực phẩm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, BV Bạch Mai trực thuộc Bộ Y tế, chùm ca bệnh xảy ra tại thôn Kon Kum có nhiều khả năng do ngộ độc thực phẩm. “Hiện các biện pháp về điều trị, phòng chống dịch bệnh đã và đang được tích cực triển khai đồng bộ. Các mẫu xét nghiệm đã gửi về các đơn vị chức năng tuyến Trung ương, đang chờ kết quả xác định tác nhân gây bệnh, để có kết luận chính thức” - ông Thanh nói.

Qua tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, các trường hợp ở thôn Kon Kum đều âm tính lần 1 với xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

7 mẫu rượu đều âm tính với Methanol. Các mẫu bệnh phẩm và thức ăn được chuyển về Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xác định tác nhân, hiện cũng chưa có kết quả.

Bà Đoàn Thị Tuần - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum - cho hay, đã tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương, tích cực điều trị bệnh nhân, các y bác sĩ thường xuyên hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cử chuyên gia trực tiếp vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để hỗ trợ công tác điều trị, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm.

Theo ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông - ngành Y tế địa phương đã đưa nhiều người dân trong thôn Kon Kum về các trung tâm y tế để theo dõi, chăm sóc, cơ quan chức năng tiến hành phun khử khuẩn môi trường trong thôn làng để phòng trừ các yếu tố nguy cơ bệnh truyền nhiễm.

Đối với thôn Kon Kum, tổng cộng 18 trường hợp không có triệu chứng nhưng có liên quan yếu tố dịch tễ.

Sau thời gian theo dõi, sức khỏe ổn định và đã cho về nhà 17 trường hợp, riêng 1 trường hợp đang điều trị viêm họng. Các trường hợp này chỉ theo dõi sức khỏe, không tính vào chùm ca bệnh. Riêng trường hợp bệnh nhân nam A.D (SN 1996, dân tộc Mơ Nâm) đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc với chẩn đoán theo dõi ngộ độc Clostridium Botulinum/suy gan.

Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã tổ chức điều tra, giám sát các trường hợp bệnh; khoanh vùng và triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm (ăn chín, uống sôi; kiểm soát thức ăn, nước uống, rượu có khả năng gây ngộ độc...), tiêu độc khử trùng và yêu cầu người dân rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Đồng thời, sở truyền thông phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp bệnh...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn