MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong số những khu rừng thông ở xã Ba Cụm Nam ( H. Khánh Sơn) gãy đổ do khai thác quá mức. Ảnh: B.A

Bức tử rừng thông ở Khánh Sơn

B.A LDO | 12/05/2018 07:09
Cả 1 cung đường, 2 bên cây thông đẹp như mơ qua địa bàn xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã bị người dân cạo lấy mủ đến lủng cả thân, thậm chí bị chặt hạ để lấy đất trồng keo, chuối…

Cạo cây cho đến chết…

Theo chân nhóm thanh niên vào rừng thông trên địa bàn xã Ba Cụm Nam, chúng tôi gặp ông Tro Hoàng Trém đang cầm can nhựa 20 lít nặng. Thấy chúng tôi, ông Trém vội giấu can vào nhà. Sau, nghe là đi mua nhựa thông, ông Trém liền khoe can vừa xách là nhựa thông vừa lấy. “Một can nhựa này phải cạo cả trăm cây mới được. Trước nhựa hứng bằng chai nhựa nhưng bị quản lý rừng phá sạch, nay dân khoét lỗ ngay dưới thân cây để hứng mủ. Một can nhựa thông trước giá 180 nghìn, nay tăng gấp đôi. 3-4 can thì đổi được 50kg, đủ ăn cả tháng”- ông Trém nói.

Tiếp tục vào rừng thông, trước mắt chúng tôi, hàng trăm cây thông bị cạo “thương tích” đầy mình, dặt dẹo. Gặp Cao Cấn đang đi trông chừng các khoảnh rừng “của mình”. “Đám thanh niên ở đây hay lấy trộm nhựa của tôi lắm. Mới hôm rồi, bắt được 2 đứa giữa trưa vào rừng thông đổ trộm nhựa của tôi. Chúng thường đi vào ban đêm hoặc giữa trưa để đi đổ trộm,”- ông Cấnbức xúc. Ông kể, rừng thông có từ lâu, tôi biết cạo nhựa thông từ trẻ. Dù bị cấm nhưng nhà thiếu ăn nên lấy nhựa thông đổi lương thực, thực phẩm hàng ngày. Ở đây, ai cũng biết khai thác nhựa thông. Rồi ông Cấn chỉ cách “cứ cạo vào cây rồi chờ cây ra mủ, lấy dần thôi.”

Cách trụ sở UBND xã Ba Cụm Nam không xa, một khoảng rừng thông rộng lớn đã bị đốn hạ. Những thân gỗ thông người ôm không xuể nằm la liệt, vết cưa còn khá mới, hằn lên vết chém để lấy mủ trước đó. Hàng trăm cây khác thì bị cạo sạch vỏ, đang chết dần. Khoảng rừng thông khác đã bị chặt hạ, đốt trơ gốc, thay vào đó là những cây ăn trái như chuối, dứa, cây keo cao ngang người... Càng vào trong, những thân cây thông 4-5 vết thương chạy dọc dài dập vào mắt chúng tôi nhức nhối.

Không ít những cây thông lớn trên địa bàn xã Ba Cụm Nam đang chết dần vì kiểu cạo mủ tận diệt như thế này. Ảnh: P.L

Giao phục hồi… 7 năm sau rừng thông mất dần

Mang theo hình ảnh hiện trạng các cánh rừng thông tiếp tục bị bức tử đến kiệt quệ, chúng tôi gặp đơn vị được giao quản lý rừng tại xã Ba Cụm Nam là Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Khánh Sơn (BQLRPH). Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc BQL- cho biết, tổng diện tích rừng thông tại xã Ba Cụm Nam 331,3 ha. Đây là rừng do nhà nước trồng cách đây đã gần 40 năm. Một số diện tích thuộc diện rừng phòng hộ.

Năm 2005, diện từng rừng thông trên giao cho xã Bạ Cụm Nam quản lý nhưng xã không giao được cho các hộ dân nên rừng “vô chủ”. Người dân các thôn Ka Tơ, Suối Me, Hòn Gâm tranh nhau vắt kiệt mủ thông. Trước nguy cơ rừng thông bị xóa sổ, tháng 4.2011, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi hơn 331 ha rừng thông tại xã Ba Cụm Nam, giao lại BQLRPH Khánh Sơn quản lý nhằm mục đích giữ và phục hồi lại rừng thông.

Theo ông Tùng, “khi tiếp nhận lại đã tiến hành cắm biển cấm khai thác nhựa. Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân không được vào rừng khai thác nhựa thông. Để ngăn chặn việc khai thác nhựa thông BQLRPH huyện còn tung lực lượng phá các dụng cụ để hứng nhựa trong rừng thông...”. Đến thời điểm này, đã 7 năm nhưng ông Tùng thừa nhận là không hiệu quả.

Ông Hoàng Hữu Hùng- Trưởng trạm bảo vệ rừng Ba Cụm Nam (thuộc BQLRPH Khánh Sơn)- cho rằng, khu rừng thuộc quản lý của đơn vị đã bị chặt phá trái phép thuộc thôn Suối Me, diện tích rừng bị chặt hạ khoảng 1ha. “Rừng thông bị khai thác nhựa như thể bức tử, tôi nhìn thấy mà xót xa lắm nhưng không còn cách nào khác. Ở đây, chúng tôi chỉ có 2 nhân viên quản lý cả một diện tích rừng rộng lớn nên không thể bao quát hết. Trong khi họ lại thường canh lực lượng bảo vệ rừng đi khỏi là dân lại vào rừng khai thác nhựa vào đêm khuya hoặc giữa trưa,” - ông Hùng nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn