MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ phụ sản có những góc khuất riêng sau mỗi ca phẫu thuật. Ảnh: BS Vũ Hồng Thăng

Bức tử thai nhi: Những cơn ác mộng không tên của bác sĩ sản khoa

Thảo Phương LDO | 15/03/2023 11:53

Tự hào với thiên chức lương y khi được tận tay đón những sinh linh bé bỏng, nhưng các bác sĩ sản khoa lại luôn canh cánh một cơn ác mộng không ai hay.

Phía sau những người mẹ “chưa sẵn sàng”

Những gương mặt non nớt, run rẩy khi đến bệnh viện tiến hành nạo phá thai là điều Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hồng Thăng ám ảnh trong suốt nhiều năm làm nghề.

Dẫu biết thực trạng trẻ vị thành niên sử dụng biện pháp can thiệp thai sản đang ngày một tăng, nhưng khi chứng kiến và lắng nghe câu chuyện phía sau, bác sĩ Thăng vẫn không thể nào quên.

Theo bác sĩ Thăng, một ngày cao điểm Khoa Kế hoạch hoá gia đình có thể tiếp nhận đến 15 ca tư vấn và hơn nửa trong số đó lựa chọn nạo phá thai.

“Cá nhân tôi ít khi phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân cùng một lúc bởi mỗi tuần sẽ làm việc tại các phòng Kế hoạch hóa gia đình khác nhau. Nhưng có những đồng nghiệp tôi quen biết một ngày họ phải làm đến hơn 10 ca nạo phá thai chưa kể dùng thuốc”, bác sĩ Thăng nói thêm.

Các bác sĩ đưa ra các tư vấn, khuyến cáo với quá trình mang thai của thai phụ. Ảnh: BS Vũ Hồng Thăng 

Lắng nghe vô vàn câu chuyện phía sau quyết định bỏ con của những người mẹ nhí song bác sĩ Vũ Hồng Thăng vẫn ghi nhớ hầu hết mọi trường hợp, bởi suy cho cùng, một thai nhi khoẻ mạnh mà không được sinh ra là điều đáng tiếc nhất.

“Nhiều năm làm nghề nhưng tôi vẫn đau lòng khi chứng kiến những cháu bé 14-16 tuổi được mẹ dẫn đến bệnh viện để nạo phá thai vì em bé trong bụng đã quá lớn. Đó thực sự là những vết sẹo của cả thể xác và tâm hồn”, bác sĩ Thăng tâm sự.

Không chỉ cần một cái đầu lạnh để hoàn thành trách nhiệm “giúp” những người mẹ nhí gỡ bỏ trách nhiệm thiêng liêng, bác sĩ phụ sản còn phải đối mặt với vấn đề tâm lý của bệnh nhân trước và sau khi thực hiện ca phẫu thuật.

Chính vì vậy, sau những giọt nước mắt của trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn cũng chính là những suy nghĩ trăn trở của bác sĩ về mỗi trường hợp buồn.

“Hầu hết các bạn trẻ muốn nạo phá thai đều đến phòng khám với tâm lý lo âu, sợ gia đình và mọi người biết về sai lầm của mình. Thậm chí một số bạn còn bị tổn thương vì người yêu bỏ rơi ngay sau khi biết tin có thai.

Những lúc như vậy tôi cũng phải khéo léo trấn an và giúp bệnh nhân đưa ra quyết định sáng suốt nhất bởi các bạn ấy gần như không có ai để tâm sự”, bác sĩ Lâm Quang Tùng chia sẻ.

Tâm sự trĩu nặng khi hoàn thành trách nhiệm

Công việc chuyên môn về sản khoa khiến bác sĩ Vũ Hồng Thăng có cơ hội tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau.

Tuy vậy, không chỉ bác sĩ Thăng mà những người làm trong nghề có lẽ cũng không bao giờ quên cảm xúc nặng trĩu và tâm sự riêng không ai thấu sau mỗi ca nạo phá thai.

Trong khi nhiều sản phụ trẻ coi phá thai là chuyện bình thường thì các bác sĩ trực tiếp “giúp” bệnh nhân lại là những người mang nhiều tâm sự nặng nề nhất.

Cảm xúc hoàn thành trách nhiệm đan xen với những suy tư riêng không nhạt đi mà còn thường trực ngày càng nhiều sau khi hoàn thành mỗi ca phẫu thuật.

Mỗi bác sĩ lại có một suy tư riêng khi phải “xuống tay” với những sinh mạng chưa thành hình. Ảnh minh hoạ: WHO

“Sau mỗi ca phẫu thuật nạo phá thai cho trẻ vị thành niên, tâm trạng tôi khá nặng nề. Tôi thường suy nghĩ rất nhiều sau đó bởi mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh lại có góc khuất riêng.

Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao những đứa trẻ lại không thể sinh ra? Tại sao những bạn trẻ lại vô trách nhiệm với chính bản thân? Tuy vậy suy cho cùng, các em vẫn cần được quan tâm nhiều hơn nữa, cả trước đây và cả sau này”, bác sĩ Thăng chia sẻ.

Dù có nhiều suy tư về chuyện nghề được coi là “nhạy cảm” và có phần duy tâm song bác sĩ Thăng luôn tự nhủ phải hoàn thành tốt trách nhiệm của mình với bệnh nhân kể cả quyết định của họ là vui hay buồn.

Bên cạnh việc đón các bé chào đời khỏe mạnh và vui vẻ thì ai làm nghề cũng không thể tránh được những lần phải "xuống tay".

"Trên cương vị là một bác sĩ sản khoa, điều đầu tiên và tối thiểu mà tôi đảm bảo là làm đúng phận sự và chức trách sao cho tốt nhất đối với bệnh nhân”, bác sĩ Thăng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn