MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội có bước phát triển vượt bậc sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính.

Bước chuyển mình mạnh mẽ của Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

Nhóm PV LDO | 09/10/2023 09:34

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đang ngày càng xứng tầm với vị thế của Thủ đô. Những bước phát triển vượt bậc của Hà Nội là minh chứng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố, để Hà Nội ngày một văn minh, hiện đại nhưng luôn giữ được bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ngày 29.5.2008, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

Ngày 1.8.2008, Hà Nội đã hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm vị thế của Thủ đô.

15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, khẳng định vị trí đầu tàu của cả nước. Vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn.Hà Nội có nhiều bứt phá, phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước...

Cầu Nhật Tân là công trình tiêu biểu được xây dựng ngay sau giai đoạn Hà Nội sáp nhập.

Tính chung 9 tháng năm 2023, GRDP của Thành phố ước tính tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,93%; quý III tăng 6,49%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất khẩu, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong công bố mới nhất của tổ chức Economist Intelligence Unit, Thủ đô Hà Nội đã tăng 20 bậc trong bảng xếp hạng những thành phố đáng sống nhất thế giới. Qua đó đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố tăng hạng nhiều nhất.

Việc mở rộng địa giới hành chính đã thúc đẩy tốc độ đô thị hóa của thành phố chuyển mình rõ rệt khi hàng loạt những công trình, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng cùng rất nhiều tòa cao ốc, khu đô thị hiện đại nằm ở khắp các quận, huyện.

Hà Nội đã có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 15 năm phát triển. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên.

15 năm qua nhìn lại, Hà Nội mở rộng mang đến nhiều đổi thay tích cực, song dân số cũng tăng nhanh, đặt ra nhiều thách thức lớn trên con đường để Hà Nội xứng đáng với vị trí, vai trò là đầu tàu, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Qua đó ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Đường Võ Nguyên Giáp (nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài) là dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỉ đồng, tổng chiều dài tuyến là 12,1km. Con đường hoàn thành tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của TP Hà Nội.

Đánh giá về sự thay đổi của Hà Nội trong những năm qua, trao đổi với Lao Động, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, dấu ấn đậm nét nhất cho sự thay đổi của Hà Nội có lẽ ở giai đoạn 2015-2020, thể hiện qua nhiều vấn đề lớn. Cụ thể, Hà Nội đã ban hành các quy hoạch và phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên với khoảng hơn 60 các đồ án quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong khi các năm trước mỗi năm chỉ độ 15-20 đồ án. Đến năm 2020, thành phố cơ bản hoàn thành các loại quy hoạch.

Ngoài ra, theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, điểm đáng chú ý của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua là xây dựng nông thôn mới. Trước đây, diện tích đô thị chỉ có 20%, gần 80% là diện tích nông thôn. Vấn đề đặt ra là nông thôn phải phát triển như thế nào để cho tương xứng là Thủ đô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn