MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên lề nhịp sống phố phường tấp nập, 8.3 của chị Thảo là hy vọng nhanh bán được mâm cá của gia đình để lo cho các con.

Buổi sáng của những phụ nữ “quên” ngày 8.3 trên đất Tây Đô

PHONG LINH LDO | 08/03/2022 08:40

Quốc tế phụ nữ 8.3 không còn là ngày lễ xa lạ đối với thế giới nói chung và phụ nữ nói riêng. Tuy nhiên, không phải chị, em nào cũng có cơ hội được đón mừng ngày lễ này. Đặc biệt, là những người phụ nữ mang gánh nặng kinh tế trong gia đình, làm lụng vất vả để mưu sinh…

Sáng ngày 8.3, không khí ngày hội phụ nữ ngập tràn trên khắp các cung đường, xong chị Hà Hồng Yến (1962, TP Cần Thơ), làm nghề đưa đò khách du lịch trên chợ nổi Cái Răng vẫn miệt mài làm việc. Tính đến nay, chị làm nghề đưa đò đã được 8 năm, nhưng từ trước đó chị đã không có ngày quốc tế phụ nữ.

Chị Hồng Yến dậy sớm từ 4h sáng để đón khách du lịch đi chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Kể từ sau đại dịch COVID - 19, cuộc sống gia đình chị lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Thị trường hàng hóa tăng giá cũng khiến công việc của chị gặp nhiều trở ngại hơn. “Dạo gần đây, xăng dầu lên giá, ngày trước đổ một bình xăng có thể chạy được tới 4 tour, bây giờ thì 2 hoặc cùng lắm là 3 tour thôi. Mà giờ dịch bệnh, người ta cũng ít đi chơi lắm rồi. Bao nhiêu tiền kiếm được một ngày tôi đều vào tiền thịt, cá lo cho cha già. Tiền còn không có, lấy đâu ra có Quốc tế phụ nữ như người ta” – chị Hồng Yến ngậm ngùi cho biết. 

Có thể nói, chia sẻ này không phải là tâm tình của riêng gì chị Yến mà là tiếng lòng chung của các người phụ nữ sống ở chợ. Cùng chung gánh nặng về kinh tế, chị Chung Thị Tuyết Thảo (1992, Cần Thơ) cũng bỏ quên ngày hội 8.3. Buôn bán cá tại chợ Xuân Khánh đã gần 20 năm, gánh nặng gia đình nay phụ thuộc vào mâm cá tép nhỏ của chị. Do đó, hằng ngày chị cùng chồng phải dậy sớm, đi lấy cá ở chợ đầu mối rồi làm việc cho đến xế chiều.

Vợ chồng chị chia sẻ cuộc sống vất vả, chăm lo cho các con ăn học nên chị cũng không mỏi chờ quà hay được đi chơi “Vợ chồng tôi có thể ăn cháo nhưng con mình thì không thể. Chúng tôi có thể dốt nhưng không để con mất học. Nhìn thực tế, tôi cũng không còn dám nghĩ đến 8.3. Đối với chúng tôi, ngày nào cũng như ngày đó, bán xong thì vô nhà, ngày mai lại tiếp tục làm việc. Không phải riêng tôi mà mấy cô, mấy chị ở đây không có ai nghỉ ngơi cả. Nghỉ làm là đói ngay” – chị Yến chia sẻ.

Cuộc sống vất vả là vậy, nhưng không phải các chị, các cô không biết đến ngày Quốc tế phụ nữ, họ buộc phải “quên” đi ngày hạnh phúc của giới nữ để tiếp tục bương chải kiếm sống. Cô Bé Ba (69 tuổi, buôn bán ở chợ Tân An, Cần Thơ) nói “Tôi biết ngày phụ nữ 8.3 chứ. Nhưng từ trước tới giờ tôi không có biết vui, chơi gì, quà cáp cũng không có. Mà ở cái tuổi này rồi thì còn có ai trông chờ được nhận quà gì nữa đâu”

Bà Bé Ba từ lâu không còn trông chờ nhận quà từ "đấng mày râu" của mình.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 lại càng trở nên phức tạp trong những ngày cận lễ 8.3. Giá xăng dầu tăng cao, lương thực, thực phẩm lên giá là một trong những nguyên nhân khiến cuộc mưu sinh của thương hồ, tiểu thương càng thêm nặng nhọc. Yên lặng bên lề phố phường tấp nập, nhiều chị em phụ nữ may mắn “xúng xính” trong những bộ trang phục đẹp, nhận hoa nhận quà từ người yêu thương thì vẫn rất nhiều phụ nữ như chị Yến, chị Thảo phải quên đi ước muốn vui hội để lo chu toàn cho gia đình mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn