MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Buôn Ma Thuột còn nhiều việc phải làm để thành đô thị trung tâm vùng

BẢO TRUNG LDO | 06/02/2023 16:02

Đắk Lắk - TP.Buôn Ma Thuột vẫn còn rất nhiều việc phải giải quyết để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, hướng tới việc trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và "Thành phố cà phê của thế giới".

Như Lao Động đã thông tin, giai đoạn 2023 - 2027, khi triển khai cơ chế đặc thù, TP Buôn Ma Thuột sẽ đầu tư 2 dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vay lại vốn ODA với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỉ đồng để cải tạo hạ tầng thuộc hành lang suối Ea Nao, Ea Tam. 

Việc cải tạo hạ tầng hành lang hai dòng suối trên nhằm tạo cho bộ mặt đô thị dọc hai bên suối thành những khu đô thị mang tính chất Xanh - Sinh thái - Giàu bản sắc riêng. 

Địa phương xây những khu công viên cây xanh, sinh hoạt công cộng và các trung tâm thương mại, dịch vụ dọc bên con suối này, tạo ra bộ mặt đô thị mới. Các dòng suối trong thành phố vừa là dòng suối cảnh quan và tạo ra sự khác biệt đối với các đô thị khác của cả nước.

Một góc trung tâm đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bảo Trung 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - nhận định: "Khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án lớn này đó là vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng và thành phố lẫn UBND tỉnh về cơ bản đã tháo gỡ xong. Cần thiết nhất lúc này đó là hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án này để trình Thủ tướng và các bộ ngành xem xét đối với nguồn vốn ODA. Thời gian triển khai chậm nhất là cuối quý I/2023.

Bởi lẽ, Khi dự án hoàn thành sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng về đô thị của Buôn Ma Thuột. Đây là "mặt tiền" của thành phố, tạo ra không gian mở và nâng cao giá trị thụ hưởng của người dân đối với các công trình phụ trợ dọc theo 2 dòng suối cùng với hồ Ea Tam.

Ông Nhật cho biết thêm: "Ngoài ra, điểm nhấn nổi bật khác của Buôn Ma Thuột trong tương lai là sẽ trở thành "thành phố cà phê của thế giới", tức phải gìn giữ bản sắc vốn có của cộng đồng các dân tộc ở địa phương nhằm tạo được sự gắn bó cộng đồng và sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách. 

Buôn Ma Thuột sẽ phát triển theo hướng xanh, sinh thái, xây dựng hình tượng một đô thị đủ hấp dẫn các nhà kinh doanh đến đầu tư. Dấu ấn của hạt cà phê cần được chuyển tải vào kiến trúc, không gian cảnh quan, từng đường phố, ngõ ngách của đô thị".

TP.Buôn Ma Thuột trong tương lai sẽ trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trung 

Lãnh đạo UBND TP.Buôn Ma Thuột đánh giá: Tuy nhiên, vấn đề đang nhức nhối đối với thành phố hiện nay là công tác quản lý đô thị. Công tác quản lý đô thị đang triển khai không theo kịp được với tốc độ phát triển và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt là không gian dọc các con suối. Không gian văn hóa lễ hội vùng Tây Nguyên là những yếu tố đặc trưng của thành phố chưa được đầu tư đúng mức. Những công trình mang điểm nhấn về văn hoá, dấu ấn cà phê ở đô thị vẫn chưa nhiều.

Hình ảnh đô thị của các tuyến phố thiếu nét đặc trưng của đô thị cao nguyên gắn liền với văn hóa Ê - Đê. Những khu phố cũ với hiện trạng chủ yếu là dạng nhà phân lô, ô phố, hình thức kiến trúc đa dạng, thiếu bản sắc. Các buôn làng trong đô thị đang bị lấn át bởi sự phát triển và mở rộng đô thị, các công trình xây dựng mới đang bủa vây các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cần được bảo tồn...".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn