MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiệm bán đồ chơi ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè đường Nguyễn Du - trước bệnh viện Nhi đồng 2 (Q.1). Ảnh: MINH QUÂN

Buông lỏng quản lý, vỉa hè lại bị lấn chiếm

MINH QUÂN LDO | 07/07/2019 09:02
Sau hơn 2 năm thực hiện chiến dịch “giành” lại vỉa hè cho người đi bộ, tình hình lòng, lề đường tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM vẫn bị lấn chiếm, tái lấn chiếm với mức độ còn nghiêm trọng hơn trước. Một số địa phương nêu nhiều lý do và bày tỏ không đủ sức, thậm chí có tình trạng buông lỏng, không thực hiện quyết liệt.

“Ông Đoàn Ngọc Hải hết dẹp vỉa hè thì mọi thứ lại như cũ”

Sau hai năm kể từ “chiến dịch giành lại vỉa hè” do ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND Q.1 chỉ đạo, vỉa hè trên nhiều tuyến đường ở Q.1 vẫn “thất thủ”. Ghi nhận ngày 5.7, đoạn vỉa hè trước khu vực Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, xe máy dựng lấn chiếm gần hết vỉa hè. Còn tại cổng sau Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cơ sở 2 (đường Nguyễn Du), xe bán đồ ăn, thức uống, đồ chơi cho trẻ em lưu động xếp dài, lộn xộn. Vỉa hè ở một số tuyến đường như Phó Đức Chính, Pasteur, Lý Tự Trọng... cũng bị hàng rong, xe máy chiếm dụng. Anh Vương Minh Đức (ngụ đường Pasteur, Q.1) cho biết: “Ông Đoàn Ngọc Hải hết dẹp vỉa hè thì mọi thứ lại như cũ... Lâu nay rất ít khi thấy lực lượng đô thị đi kiểm tra, xử phạt”.

Không chỉ ở trung tâm thành phố, ở các quận, huyện khác, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn trước. Chiều đến, tại các hàng quán chạy dọc hai bên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp), nhân viên bày biện bàn ghế, trưng ra các bảng hiệu trên vỉa hè. Ban đầu, các bàn ghế được xếp bên trong vạch giới hạn nhưng càng về tối, khi khách đông lên, từng chiếc ghế, cái bàn được kê lấn dần và bao chiếm trọn vỉa hè. Một khu vực “nổi tiếng” khác là 2 tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa (địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình) với các quán ăn, quán nhậu bao chiếm phần lớn diện tích vỉa hè để bày bàn ghế và làm nơi giữ xe cho khách.

Vỉa hè đường Nguyễn Huy Tự (phường Đa Kao, Q.1) bị chiếm dụng để mở quán tạp hóa, sạp trái cây. Ảnh: MINH QUÂN

Người dân nghi ngờ có bảo kê

Trước tình trạng lấn chiếm ở nhiều tuyến đường trên địa bàn, ông Trần Khánh Linh - Chủ tịch UBND phường 5, quận 3 - cho biết, thực tế, khi tuyên truyền, xử phạt nghiêm minh thì có sự chuyển biến rõ nét, nhưng sau đó phường không duy trì và việc tái lấn chiếm lại xảy ra. Một cái khó là với mức phụ cấp 3 triệu đồng/người/tháng, các phường rất khó và không tuyển được lực lượng chuyên trách, từ đó không có người “bám đường”, việc tái lấn chiếm sẽ diễn ra. Trong khi đó, ông Nguyễn Kiên Giang - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân - cũng nêu nhiều khó khăn như địa bàn đông dân số, đa số là công nhân, lao động thu nhập ít ỏi, điều kiện sống thấp kéo theo thói quen ăn uống, mua sắm ở vỉa hè… Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự lòng lề đường lại mỏng. Đơn cử, tại khu vực quanh Công ty Pouyuen, vào giờ tan ca, các xe đẩy hàng rong bủa vây, lực lượng chức năng xử lý không xuể.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM - công tác lập lại trật tự lòng lề đường là trách nhiệm của từng địa phương phải thực hiện, chứ không thể viện dẫn các khó khăn và buông lỏng, không thực hiện. Những ai nếu làm không nổi thì báo cáo đi, rằng “tôi làm không nổi” để có sự bố trí, phân công người khác. “Nhiều nơi báo cáo “cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc”, nhưng có thật sự vào cuộc không? Tương tự, các văn bản, kế hoạch đã có, nhưng việc tổ chức thực hiện có được đảm bảo? Cho nên, những địa phương nào không vào cuộc xử lý các vi phạm, xử lý không nghiêm mới dẫn tới dư luận cho rằng có tình trạng bao che, bảo kê” - ông Tường nói. 

Buộc thôi việc, cách chức, hạ lương cán bộ để xảy ra lấn chiếm vỉa hè

Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - trong công tác lập lại trật tự đô thị, từ đầu năm 2017, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp triển khai về công tác trật tự lòng lề đường với hơn 500 cán bộ, từ bí thư, chủ tịch UBND huyện, xã đến trưởng 178 ấp. Thông điệp được huyện chuyển tải rõ ràng rằng, huyện sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu buông lỏng quản lý vỉa hè. Không phải nói suông, huyện đã cương quyết xử lý những cán bộ không làm tròn trách nhiệm, để vỉa hè bị tái lấn chiếm. Cụ thể, huyện đã kỷ luật buộc thôi việc một đội trưởng đội quản lý trật tự đô thị; kỷ luật cách chức, hạ bậc lương một chủ tịch UBND xã; hạ bậc thi đua 2 phó chủ tịch UBND xã phụ trách đô thị vì đã buông lỏng quản lý vỉa hè. Ngoài ra, huyện cũng điều chuyển 5 cán bộ đô thị cấp xã vì ngại đụng chạm “người thân, họ hàng” qua công tác tại địa phương khác. Nhờ vậy, sau một thời gian thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, bộ mặt đô thị của huyện ngày càng sạch - đẹp, lòng lề đường thông thoáng. Người dân cũng bày tỏ đồng thuận, tự giác phối hợp với chính quyền trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, không lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường.

Trong 157 tuyến đường mà các quận, huyện đăng ký lập lại trật tự lòng lề đường với UBND TPHCM chỉ có 34 tuyến đã được thông thoáng (chiếm 21,7%), còn lại 109 tuyến có chuyển biến nhưng không đáng kể (chiếm 69,4%) và 14 tuyến đường bị đánh giá phức tạp (chiếm 8,9%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn