MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Ba Vì đã tiếp nhận điều trị 3 F0 tại trạm y tế lưu động. Ảnh: Thu Trang

Ca mắc liên tục tăng cao, Hà Nội có 851 F0 điều trị tại trạm y tế lưu động

Phạm Đông LDO | 08/12/2021 19:12
Hà Nội - Hiện tại thành phố đã xây dựng phương án triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Trong đó 22 quận, huyện tiếp nhận 851 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động.

Ngày 8.12, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 7.12 đến 18h ngày 8.12, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 709 ca bệnh COVID-19, trong đó: cộng đồng (243), khu cách ly (329), khu phong tỏa (137). Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, thành phố vượt 700 ca mắc/ngày.

Theo Sở Y tế, trước tình hình ca mắc tăng cao, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Các địa phương thực hiện phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo số liệu mới nhất của Sở Y tế, toàn thành phố đã có 22 quận, huyện tiếp nhận 851 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động.

Trong 22 quận, huyện này, huyện Chương Mỹ tiếp nhận số lượng F0 điều trị tại trạm y tế lưu động nhiều nhất với 193 bệnh nhân, tiếp đến là huyện Hoài Đức tiếp nhận 110 bệnh nhân, huyện Sóc Sơn tiếp nhận 101 bệnh nhân, huyện Đan Phượng với 89 bệnh nhân; các quận, huyện còn lại tiếp nhận từ 2 đến 60 bệnh nhân.

Hiện tại còn 8 quận, huyện: Cầu Giấy, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ứng Hòa, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình chưa tiếp nhận điều trị F0 tại trạm y tế lưu động. 

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: CDC Hà Nội

Để phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Cụ thể:

Tầng 1, dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình, gồm: Tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, không có triệu chứng cần can thiệp y tế.

Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Tầng 2, dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: Tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.

Tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt. Cụ thể: Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Bắc Thăng Long; ở tầng 2 và tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.

Bên cạnh việc điều trị F0 tại trạm y tế lưu động, Sở Y tế Hà Nội cũng phân bổ 6.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà cho 30 quận, huyện, thị xã.

Sở Y tế Hà Nội phân bổ số lượng thuốc nhận được cho 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã để cấp phát cho người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà. Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội phân bổ 6.000 túi thuốc cho 30 quận, huyện, thị xã; mỗi đơn vị nhận 200 túi thuốc. Mỗi túi thuốc bao gồm: Paracetamol 500mg x 20 viên và Vitamin C 500mg (hoặc Multivitamin) x 20 viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn