MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cà Mau chật vật với nắng nóng, khô hạn

NHẬT HỒ LDO | 06/04/2024 06:00

Nắng nóng kéo dài, toàn bộ diện tích có rừng tại Cà Mau trong tình trạng báo động. Nắng cũng khiến cho tình trạng khô hạn, sạt lở đất khắp nơi. Tại thị thành, đời sống người dân xáo trộn, công nhân lao động tìm cách trốn nóng sau tan ca.

Với 45.600ha rừng tràm U Minh hạ và rừng các cụm đảo trên địa bàn, Cà Mau là địa phương có diện tích rừng ngập ngọt lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Dù vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng đến đầu tháng 4.2024, hơn 29.000ha rừng hệ ngọt của tỉnh này đã bị khô hạn, trong đó cảnh báo cháy cấp IV và cấp V đến hơn 11.000ha. Số diện tích này tập trung chủ yếu tại lâm phần các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) và Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ…

Lực lượng chức năng kiểm kê thiệt hại sau vụ cháy rừng chưa rõ nguyên nhân tại Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp U Minh hạ Trần Ngọc Thảo chia sẻ: "Ngày nào cũng có lực lượng túc trực trên các tháp quan sát lửa, nhất là tại 5 liên tiểu khu trọng điểm được xác định nguy cơ cao dễ xảy ra cháy, thường từ 7h sáng đến 17h chiều mỗi ngày. Hôm nào căng thẳng quá, thời gian trực có thể sớm hơn và kéo dài hơn".

Ông Trần Văn Tèo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trần Văn Thời cho biết: “Tại thời điểm này, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc và Trần Hợi đã dự báo cháy lên cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Hiện nay, các tuyến kênh của 2 xã hầu như khô cạn. Ðặc biệt, các tuyến kênh ở xã Khánh Bình Tây Bắc đã không còn nước, nếu xảy ra sự cố cháy sẽ khó có nguồn nước để dập lửa kịp thời”.

Trong khi đó, tình trạng sạt lở đất, thiếu nước diễn ra khắp nơi tại các vùng quê ven biển tỉnh Cà Mau. Tỉnh Cà Mau đã chi 10 tỉ đồng để cấp nước sạch cho trên 5.000 hộ dân đang có nguy cơ thiếu nước sạch tại vùng khô hạn.

Vùng nông thôn huyện Trần Văn Thời thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, người dân dự trữ nước bằng những chiếc lu như thế này. Ảnh: Nhật Hồ

Trong khi đó, tại thành thị, nắng nóng cũng khiến đời sống, việc làm công nhân, người lao động bị xáo trộn.

Chị Nguyễn Thị Duyên, công nhân Nhà máy chế biến thuỷ sản Minh Phú Cà Mau cho biết: “Mấy ngày nay nắng nóng như lửa đốt. Trong nhà máy còn được trang bị đầy đủ quạt, điều hoà, còn trên đường đi về và chỗ trọ nóng như lửa. Công nhân tụi em nói vui là ở trong nhà máy sướng hơn về nhà trọ”.

Nhà trọ công nhân tại thành phố Cà Mau tuyên truyền cho công nhân phòng chóng cháy mùa khô. Ảnh: Nhật Hồ

Chủ nhà trọ công nhân Thiên Lộc, phường 8, Thành phố Cà Mau cho biết: “Thời gian này nóng quá nên anh chị em công nhân cũng khổ. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người trọ cẩn thận trong phòng chống cháy mùa khô”.

Dự báo nắng nóng tiếp tục kéo dài hết tháng 4. Người dân Cà Mau vẫn tiếp tục chờ mưa để giải nhiệt, bởi không có cách nào khác để chống chọi với thiên nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn