MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khô hạn khiến các dòng kênh kiệt nước kéo theo sụp lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Cà Mau: Chưa công bố tình trạng thiên tai do hạn mặn và sụt lún

NHẬT HỒ LDO | 26/02/2020 10:18
Trước áp lực hạn hán, xâm nhập mặn và tình trạng sụt lún bất thường diễn ra ngày càng khốc liệt, tỉnh Cà Mau đã “cầu cứu” nhiều cơ quan chuyên môn cùng tìm giải pháp. Hàng loạt các giải pháp được đưa ra cho vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt hạn mặn năm này. Trong khi đó, mặc dù đang chịu thiệt hại nghiêm trọng, nhưng tỉnh này vẫn không thể công bố tình trạng thiên tai…

Nhiều giải pháp ứng phó

Trước tình hình thiệt hại nghiêm trọng do khô hạn, sụt lở đất diễn ra khắp nơi, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Cà Mau đề nghị xem xét đưa nước mặn vào vùng ngọt để giảm áp lực sụt lở đất. Theo ông Sử, đây là giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất.

“Chúng tôi đánh giá như vậy là vì ở những nơi không phải vùng ngọt, nước không bị cạn thì không có hiện tượng sụt lún. Ở khu vực xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời trước đó có sụt lún nhưng khi có lượng nước mặn vào thì tình hình sụp lún ngưng lại” - ông Sử thông tin. Đồng quan điểm này, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chia sẻ, qua ghi nhận cho thấy, trong mùa khô, đường giao thông cạnh các bờ kênh, rạch xảy ra sạt lở là do nguồn nước ở các kênh này khô hạn, không còn giữ được chân đường. Do đó, việc bù nước mặn vào để giảm áp lực là một giải pháp hợp lý. Vì vậy, ông Văn đề nghị tỉnh cần cân nhắc giải pháp đưa nước (mặn) vào các sông, kênh khô cạn để giảm sụt lún, vì ngoài vấn đề môi trường thì về mặt kỹ thuật không có ý nghĩa.

Chia sẻ về vấn đề này, GS-TS Tăng Đức Thắng (Chuyên viên cao cấp, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho rằng, Cà Mau cần có chiến lược trong sử dụng nguồn nước mưa. Tài nguyên nước mưa tại Cà Mau rất phong phú, cần có giải pháp sử dụng hợp lý phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Còn vấn đề dẫn nước từ sông Hậu về là vấn đề khó khăn, vì càng xa càng tốn kém. Theo ông Thắng, trên thực tế, so với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL, Cà Mau có lượng mưa cao hơn hẳn. Bình quân hàng năm, tỉnh này có 165 ngày có mưa, với lượng mưa trung bình năm là 2.360mm. Lượng mưa trong mùa mưa chiếm khoảng 90% lượng mưa cả năm, thời điểm có lượng mưa cao nhất là từ tháng 8 đến tháng 10.

Trước đó, có ý kiến cho rằng cần dẫn nước ngọt từ sông Hậu về tích nước cho vùng ngọt tại Cà Mau. Tuy nhiên, một giải pháp được cho là phù hợp là chuyển đổi vùng ngọt dần thành vùng lúa tôm. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng đề nghị Cà Mau thận trọng. Về đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến, trục kênh để giữ chân tránh sụt lở các công trình giao thông, phương án này cũng được nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến và hiến kế. Tuy nhiên vẫn còn ý kiến trái chiều, e ngại khi đưa nước mặn vào sẽ gây xâm nhập mặn nặng nề hơn cho vùng ngọt.

Chưa thể công bố thiên tai

Cà Mau được xem là tâm điểm của hạn hán, mặn xâm nhập, sụt lún, sạt lở đất tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020. Tỉnh này đã có trên 18.000ha lúa bị thiệt hại, trên 20.000 hộ dân thiếu nước, trên 1.000 điểm sụt lở với tổng chiều dài trên trên 21km. Số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tỉnh này đề xuất công bố thiên tai cấp 1 trên phạm vi toàn vùng ngọt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Cà Mau phải xử lý ngay bằng tất cả các nguồn lực của địa phương theo cơ chế khẩn cấp, vì điều đó đã được quy định trong Luật Phòng chống thiên tai. Trước mắt, cần khảo sát tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục, cùng với đó cần có kế hoạch hộ đê tại những điểm xảy ra sự cố.

Nói về việc công bố thiên tai, ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Chỉ có mưa lũ, dòng chảy gây sụt lún, sạt lở đất mới gọi là thiên tai, nhưng hạn hán gây sụt lún như Cà Mau không phải là do thiên tai, bởi đó là khái niệm đã được luật quy định, nên địa phương không thể dựa vào tình trạng sụt lún mà công bố thiên tai, dù thực tế thiên nhiên gây hại là sự thật”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử băn khoăn: “Sụt lún là do thiếu nước, mà thiếu nước là do nắng hạn, nhưng trong luật không có quy định. Thực tiễn đặt ra là có thật, nhưng luật chưa quy định, Cà Mau phải xử sự ra sao?!”.

Vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau theo quy hoạch có 154.000ha. Tại vùng này, người dân sản xuất trong vùng này đan xen nhiều loại hình. Qua rà soát, diện tích thực tế phục vụ sản xuất hệ sinh thái ngọt là 100.500ha. Theo đó, vùng này được chia làm 5 tiểu vùng; trong đó, tiểu vùng III và phần lớn tiểu vùng II, Bắc Cà Mau hiện còn giữ được ngọt hoá. Bên cạnh đó, trong vùng ngọt hóa có 120km đê, 69 cống xây dựng cơ bản, 4 trạm bơm và hơn 2.200km kênh các cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn