MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Cà Mau sẽ khôi phục rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: Nhật Hồ

Cà Mau lập đề án khôi phục đất rừng ven biển

NHẬT HỒ LDO | 04/09/2023 06:15

Cà Mau - Mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích đất lâm nghiệp 142.599 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 20.291 ha, đất rừng phòng hộ 30.753 ha, đất rừng sản xuất 91.555 ha. Diện tích có rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) đến năm 2030 đạt 96.000 ha.

Mất rừng, đê biển Tây tỉnh Cà Mau bị sóng đánh vào tới chân đê. Ảnh: Nhật Hồ

Mục tiêu tổng quát của Đề án hướng đến quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 – 2030: Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống xói lở, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bằng giải pháp xây kè chắn sóng gây bồi, tạo bãi tỉnh Cà Mau kỳ vọng cây rừng tự nhiên sẽ mọc lên ven biển. Ảnh: Nhật Hồ

Mục tiêu cụ thể là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo ra trong giai đoạn năm 2021 – 2030. Đến năm 2030, tổng diện tích đất lâm nghiệp 142.599 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 20.291 ha, đất rừng phòng hộ 30.753 ha, đất rừng sản xuất 91.555 ha. Diện tích có rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) đến năm 2030 đạt 96.000 ha. Xây dựng hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển; xác định rõ vị trí, diện tích, ranh giới và hoàn thiện mốc ranh giới đối với từng khu rừng.

Đê biển Tây tỉnh Cà Mau rừng sẽ được khôi phục. Ảnh: Nhật Hồ


Cơ bản hoàn thiện hệ thống kè bờ biển Đông và bờ biển Tây (những vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao), đủ điều kiện khôi phục rừng ngập mặn. Hoàn thiện công tác di dời, bố trí tái định cư đối với các hộ dân sống trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định; khôi phục rừng; đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống dân cư đối với các khu vực không phải di dời.

Phát triển có sở hạ tầng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển; tăng nguồn thu từ du lịch, dịch vụ môi trường rừng, góp phần tái đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn