MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chụp đìa bắt cá đồng tại U Minh, Cà Mau, những năm gần đây mùa đìa ngày càng ít cá. Ảnh: Nhật Hồ

Cà Mau phạt nặng hành vi khai thác cá non

NHẬT HỒ LDO | 19/07/2024 17:19

Khi con cá non trở thành đặc sản ở các nhà hàng với mức giá khá cao thì sản vật vùng U Minh, Cà Mau ngày càng khan hiếm và có nguy cơ cạn kiệt nguồn cá đồng.

Cá đồng ngày càng hiếm

Vào đầu mùa mưa, các loài thuỷ sản, nhất là các loại cá đồng, bắt đầu sinh sản một lần duy nhất trong năm. Đây cũng là lúc nhiều hộ dân khai thác cá non đem bán, chủ yếu là cá lòng ròng (cá lóc con), cá rô tăm tít (cá rô con) và cá sặc con.

Trong những ngày này, dạo quanh các chợ từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là chợ trên địa bàn các phường: 2, 4, 7, 8 của TP Cà Mau, tình trạng mua, bán cá non như: cá lòng ròng, cá sặc con, cá rô tăm tít… diễn ra khá phổ biến.

Cá lóc U Minh, Cà Mau đặc sản ngày càng khan hiếm. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Trần Thanh Liêm - xã Nguyễn Phích, huyện U Minh - bức xúc nói: “Con cá đồng xứ U Minh này có tiếng lâu rồi, ai cũng biết. Nhưng bây giờ nó kiệt quệ đến mức có lúc không có cá đồng để ăn”.

Theo ông Liêm, nguyên nhân là do điều kiện sản xuất dẫn đến môi trường bị thay đổi, nước mặn tấn công vào, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và tồn tại của các loài thuỷ sản; mật độ dân số tăng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng nguồn thực phẩm tăng. Đặc biệt, nguyên nhân chủ quan trực tiếp nhất là do phương pháp khai thác quá mức.

“Bây giờ họ xuyệt điện, dùng lưới… đủ thứ cách đánh bắt, bắt cả cá lớn lẫn cá nhỏ, mùa cá sinh sản cũng bắt, cá giống cũng bắt. Làm sao nguồn lợi tái sinh kịp?”, ông Liêm nhận định.

Trước tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán cá non vào đầu mùa mưa vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến công tác phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, không khai thác, mua bán cá non tự nhiên theo quy định.

Phạt nặng hành vi khai thác cá non

Trước tình trạng nguồn cá đồng ngày càng khan hiếm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn lợi giống thuỷ sản tự nhiên, nhất là cá non trong nội đồng; tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác, mua bán cá non theo quy định.

UBND các huyện, TP Cà Mau xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống khai thác, mua bán cá non; chỉ đạo lực lượng chức năng, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong khai thác, mua bán cá non theo quy định, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện và cơ quan chức năng nếu để xảy ra tình trạng mua bán cá non trên địa bàn nhưng không phát hiện.

Cá non vẫn còn bán tại chợ khu vực thành phố Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Đối với các hành vi khai thác cá non theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05.4.2024 của Chính phủ, quy định xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ, trang thiết bị, phương tiện cản trở hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở sông, hồ, đầm, phá hoặc sử dụng ngư cụ, trang thiết bị, phương tiện cản trở đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.

Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân thả lại cá non khi khai thác. Ảnh: Nhật Hồ

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư lưới cụ, trang thiết bị, phương tiện hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống hoặc sử dụng ngư cụ, trang thiết bị, phương tiện phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm hoặc gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản.

Đáng chú ý hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép thủy sản là cá non cũng bị xử phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn