MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Sáu Quýt dựng lại hình ảnh bờ xe nước một thời trên sông Trà Khúc. Ảnh: Ngọc Viên

Cả một đời gắn bó với bờ xe nước - biểu tượng của Quảng Ngãi

VIÊN NGUYỄN LDO | 11/02/2024 12:37

Quảng Ngãi - Mô hình bờ xe nước là một biểu tượng quý giá, luôn đọng lại trong ký ức của các thế hệ người dân Quảng Ngãi. Ông Mai Văn Quýt (80 tuổi) ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi là một trong những nghệ nhân cuối cùng ở Quảng Ngãi chế tác mô hình bờ xe nước.

Sông Trà dài 130km, nhưng chỉ đến khi chảy qua các xã đầu nguồn hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa thì bờ xe nước mới xuất hiện trên sông. Năm 1990, khi đại công trình thủy lợi Thạch Nham vận hành, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng rộng lớn khắp các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi thì cũng là lúc những bờ xe nước - một công trình thủy lợi đầy sáng tạo của người dân Quảng Ngãi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Ông Sáu Quýt mong mỏi hình ảnh bờ xe nước sẽ được gìn giữ cho muôn đời sau. Ảnh: Ngọc Viên

Bờ xe nuớc đã vắng bóng trên sông Trà khoảng 34 năm. Tuy nhiên, ở Quảng Ngãi, ông Mai Văn Quýt, tên thường gọi là Sáu Quýt, tuy đã 80 tuổi, nhưng vẫn rất thành thục các công đoạn phục dựng lại bờ xe nước. Ông Quýt chia sẻ: "Trong gia đình, tôi là đời thứ ba kế tục làm bờ xe nước. Từ năm 18 tuổi, tôi đã tập vót tre, chẻ nan cùng cha làm bờ xe nước. Vật liệu làm xe nước là tre và những loại dây rừng, không hề có sắt thép. Sức nước làm bánh xe quay đều, đưa nước lên đồng tưới cho hoa màu… cho đến trước mùa mưa lũ".

Theo ông Quýt, thế hệ cha ông phải tốn nhiều công sức tìm đốn tre già, cắt khúc rồi mang đi ngâm dưới nước nhiều tháng liền. Sau đó, tre được vớt lên phơi khô, rồi làm bánh xe.

“Nghề làm bờ xe nước nhọc nhằn và đòi hỏi kỹ thuật thủ công khá cao để tránh sự cong vênh, ảnh hưởng đến tốc độ quay của bờ xe. Về nguyên lý, cách thức làm bờ xe mô hình vẫn giống y hệt bờ xe ngoài thực tế, nên người làm bờ xe nước phải chế tác sao cho bánh xe cân bằng, khi vận hành không bị lỗi, vẫn có thể lấy nước và quay đều” - ông Quýt thổ lộ

Đối với ông Quýt, nỗi lo lớn nhất khiến ông luôn trằn trọc, suy tư là nghề làm bánh xe nước sẽ thất truyền, bởi thế hệ của ông không còn mấy người thạo và lớp trẻ sau này cũng chẳng ai mặn mà theo học.

Mô hình bờ xe nước của ông Sáu Quýt được trưng bày tại công viên Ba Tơ, phục dụ người dân đến du xuân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Ngọc Viên

Tháng 12.2023, lần đầu tiên Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Quảng Ngãi tại TP Hồ Chí Minh… tổ chức chương trình sắc quê Quảng Ngãi. Đây là lễ hội có quy mô lớn. Tại lễ hội, Ban tổ chức chương trình đã mời nghệ nhân Mai Văn Quýt vào TP Hồ Chí Minh để trực tiếp lắp ráp, vận hành và thuyết minh cho du khách về công năng của mô hình độc đáo này. Đây là sự kết nối từ ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi. Dù là mô hình, với tỷ lệ 1/5 so với bờ xe nước sông Trà huyền thoại nhưng Ban tổ chức vẫn cố gắng phục dựng, cho hoạt động như một bờ xe nước thật sự, để người dân được nhìn ngắm và nhớ lại những hoài niệm về bờ xe nước trong ký ức.

Hiện mô hình bờ xe bước của nghệ nhân Mai Văn Quýt đang được trưng bày tại công viên Ba Tơ, TP Quảng Ngãi để phục vụ người du xuân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Quốc Đạt - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Bờ xe nước là công trình dẫn thủy nhập điền độc đáo của người dân xứ Quảng. Thiết kế cầu Trà Khúc 1 ở TP Quảng Ngãi cũng lấy cảm hứng từ bờ xe nước. Cầu có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.199 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ 2023 - 2027.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn