MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

Cả nước đang hướng về Điện Biên

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 06/05/2023 20:07

Sau gần 70 năm giải phóng, đời sống của đồng bào các dân tộc Điện Biên vẫn còn không ít khó khăn, người dân cả nước đã và đang có những hành động thiết thực hướng về mảnh đất lịch sử này.

Cả nước hướng về mảnh đất Điện Biên lịch sử

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đời sống của nhân dân Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn từ hậu quả chiến tranh. Theo tiếng gọi của Đảng, hàng nghìn thanh niên xung phong đã lên đường đi xây dựng Điện Biên.

Trong đó có hơn 800 “Thanh niên tháng 8 Thủ đô” và hàng nghìn chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi đến từ các tỉnh miền xuôi như Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hoá… lên giúp Điện Biên khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển kinh tế. Trong số đó đã có rất nhiều người ở lại, gắn bó với mảnh đất này.

Những năm gần đây Điện Biên đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, có thể thấy tác động từ chương trình xóa đói giảm nghèo - một chủ trương lớn của Đảng đã đem lại cho người dân những cơ hội đổi thay và vươn lên.

Chương trình làm nhà cho hộ nghèo có ý nghĩa vô cùng to lớn giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Thành Chương

Đặc biệt, Chương trình làm nhà cho hộ nghèo được triển khai đã giúp cho hàng nghìn gia đình có nhà ở kiên cố, có cuộc sống ổn định và không còn phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên, năm 2019-2020, Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động làm 1.762 ngôi nhà cho đồng bào nghèo ở 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ. Năm 2021, tiếp tục làm 1.040 ngôi nhà cho đồng bào nghèo tại huyện Điện Biên Đông.

Tại Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ năm 2022, Chủ tịch nước cũng đã phát động Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau đó, 1.169 ngôi nhà cho hộ nghèo trên toàn tỉnh cũng đã được triển khai xây dựng.

Đó chính là những hành động thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và nhân dân cả nước đối với người dân trên mảnh đất Điện Biên lịch sử vốn chịu nhiều vết thương sau chiến tranh.

Những ngôi nhà dột nát đang dần được thay thế tại các bản làng vùng cao. Ảnh: Văn Thành Chương

Phấn đấu xóa nhà tạm cho đồng bào Điện Biên

Mặc dù đã có những đổi thay đáng kể, xong đến nay, Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo. Theo thống kê của UBND tỉnh Điện Biên, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh vẫn ở mức gần 40%. Trong đó có 7.447 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng.

Trước thực trạng đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tục ra lời kêu gọi người dân cả nước ủng hộ Chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho đồng bào nghèo của tỉnh Điện Biên. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo đó, mục tiêu của đề án đặt ra trong thời gian 1 năm (từ 7.5.2023 đến 7.5.2024) sẽ làm mới 7.000 - 8.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Điện Biên và một số tỉnh Tây Bắc. Trong đó sẽ hỗ trợ tỉnh Điện Biên 5.000 căn nhà, số nhà còn lại hỗ trợ đồng bào khó khăn của một số tỉnh Tây Bắc.

Cuộc sống của người dân Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Thành Chương

Theo bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên, việc triển khai làm 5.000 căn nhà lần này sẽ có nhiều điểm khác so với các đợt triển khai trước đó. Cụ thể, sẽ không làm nhà khung theo mẫu mà người dân sẽ được lựa chọn hình thức làm nhà phù hợp với văn hóa và phong tục của dân tộc mình.

Ngoài 50 triệu đồng được hỗ trợ, người dân cũng có thể huy động thêm nguồn lực để làm nhà theo nhu cầu của gia đình. Bên cạnh đó, việc làm nhà sẽ do người dân tự thực hiện, MTTQ sẽ giám sát và hỗ trợ tiền theo tiến độ triển khai và hoàn thiện theo đúng mục tiêu của đề án đặt ra. Đối với những gia đình không có điều kiện tự làm nhà thì sẽ giao cho chính quyền địa phương thực hiện.

“Ngoài 5.000 ngôi nhà được MTTQ Việt Nam hỗ trợ, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để giúp người dân xóa nhà tạm. Phấn đấu để không còn người dân phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát”- bà Nguyễn Thị Nga nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn