MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PV Lao Động ghi nhận ống xả thải từ cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) đổ ra sông Ngũ Huyện Khê trước khi chảy ra sông Cầu.

Cá nuôi chết trắng trên sông Cầu: Cận cảnh những điểm xả thải ra sông

Trần Tuấn LDO | 08/02/2021 14:31

Phóng viên Báo Lao Động đã trực tiếp xuống hiện trường nơi người dân phản ánh có những điểm xả thải trực tiếp "đầu độc" khiến cá nuôi chết trắng trên sông Cầu.

Hàng nghìn m3 nước thải đổ trực tiếp ra sông

Những ngày qua, Báo Lao Động và một số cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin việc hàng loạt lồng nuôi cá trên sông Cầu chảy qua địa bàn xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh) xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, nổi trắng trên sông. Số lượng cá chết lên tới hàng chục tấn, ước tính thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Theo những hộ dân nuôi cá, ngày 27.1, người dân phát hiện nguồn nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê xả thải theo nguồn nước chảy ngược lên. Họ cho rằng nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng chính là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Trước đó 2 ngày, ngày 25.1, phóng viên Báo Lao Động đã đi thực tế một số điểm xả thải dọc sông Ngũ Huyện Khê, nơi nguồn nước chảy ra sông Cầu.

Xuôi dòng Ngũ Huyện Khê về hạ lưu, chúng tôi có mặt ở làng nghề Phong Khê (phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh) và Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) bên dòng sông đặc quánh sình lầy, rác thải.

Đúng như phản ánh của người dân, hai bên bờ sông nhiều ống nước thải từ làng nghề giấy Phong Khê và Cụm công nghiệp trên vô tư xả trực tiếp xuống dòng sông. Dòng nước thải tuôn chảy sủi bọt trắng xóa, bốc mùi nồng nặc tanh tưởi.

This browser does not support the video element.

Nước thải từ làng nghề giấy Phong Khê đổ ra sông Ngũ Huyện Khê trước khi chảy ra sông Cầu. Video: Trần Tuấn.

This browser does not support the video element.

Ống xả thải từ Cụm Công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) đổ ra sông Ngũ Huyện Khê trước khi chảy ra sông Cầu. Video: Trần Tuấn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Biên, Phó chủ tịch UBND phường Phong Khê (TP.Bắc Ninh) cho biết, hiện tại tại phường có 224 cơ sở sản xuất nghề giấy, một ngày xả khoảng 10.000 m3 nước thải. Tuy vậy, hiện tại, khu nhà máy xử lý nước thải phường Phong Khê mới xử lý được 2000 - 3000 m3/ngày đêm. Số lượng nước thải không được xử lý thì xả thẳng trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê.

Cùng trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Lương Phó trưởng phòng Tài nguyên môi trường Tiên Du cho biết, hiện việc xử lý nước thải trong quá trình sản xuất giấy tại Cụm công nghiệp Phú Lâm vẫn do các doanh nghiệp tự xử lý.

"Có một số doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện được quy trình về xử lý nước thải", ông Lương nói và cho biết dự án xử lý tình trạng ô nhiễm ở Cụm công nghiệp Phú Lâm vẫn đang trong quá trình triển khai.

Yêu cầu rà soát các điểm xả thải ra sông

Liên quan đến việc cá nuôi chết trắng trên sông Cầu, chiều 6.2, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã cùng lãnh đạo các Sở ngành liên quan đi kiểm tra thực tế nguồn nước sông Cầu qua địa bàn huyện Yên Phong.

Báo cáo của các ngành chức năng cho biết, kết quả quan trắc môi trường tại khu vực nuôi cá lồng của xã Dũng Liệt có hàm lượng oxy thấp từ 0,30 đến 0,35 mg/l (hàm lượng oxy hòa tan dưới 1 mg/l có thể gây hiện tượng cá chết hàng loạt). Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần sử dụng các biện pháp quạt khí, sục khí nhằm tăng cường hàm lượng oxy hòa tan khi có hiện tượng oxy thấp dưới ngưỡng cho phép. Đối với các lồng nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm nên tiến hành thu hoạch sớm nhằm tránh thiệt hại.

Người dân thẫn thờ bên những lồng cá chết trắng trên sông Cầu. Ảnh: PV.

Chia sẻ với những thiệt hại của các chủ lồng nuôi cá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải yêu cầu Sở NNPTNT phối hợp với các ngành chức năng, huyện Yên Phong trước mắt có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp làm sạch nguồn nước nuôi, nhất là tăng hàm lượng oxy để bảo vệ an toàn cho các lồng cá nuôi còn lại, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân; khuyến cáo người dân tiến hành nuôi cá lồng trên sông tại những khu vực nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Đào Quang Khải cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, rà soát lại tất cả các điểm xả thải ra sông Cầu; tiến hành quan trắc, kịp thời phát hiện, lập biên bản báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải ra sông Cầu không phép, không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh các biện pháp bảo vệ môi trường sông Cầu bền vững.

This browser does not support the video element.

Nước thải từ quá trình sản xuất ở làng nghề giấy Phong Khê (phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh). Video: Trần Tuấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn