MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thẫn thờ bên những lồng cá chết hàng loạt. Ảnh: PV.

Cá nuôi chết trắng trên sông Cầu: Do "dòng nước đen" từ làng nghề giấy?

Trần Tuấn LDO | 06/02/2021 15:22
Những hộ dân nuôi cá trên sông Cầu cho biết, nguyên nhân cá chết có thể do nguồn thải từ khu vực làng nghề giấy Đống Cao đưa lên theo thủy triều.

Cá lồng chết trắng trên sông Cầu

Những ngày này, gia đình anh Phạm Văn Khải, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh) như ngồi trên đống lửa do 5 lồng nuôi cá trắm và diêu hồng của gia đình anh phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới bỗng dưng bị chết hàng loạt. Thời điểm cá chết diễn ra từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2.2021.

"Cá chết rất nhanh, chỉ trong 2 ngày, riêng lồng nhà tôi chết hơn chục tấn cá diêu hồng và 2 tấn cá trắm. Giá bán hiện tại khoảng 50.000 đồng/kg, tính ra gia đình tôi thiệt hại hơn 500 triệu đồng”, anh Khải nói và cho biết nhiều gia đình nuôi cá cùng khu vực còn trắng tay, "mất Tết".

Những con cá trắm cỏ trọng lượng trung bình 3 - 5 kg chết hàng loạt. Ảnh: PV.

Hộ nuôi cá của gia đình ông Phạm Văn Nhận, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt cũng rơi vào cảnh tương tự, khi toàn bộ cá trong lồng bị chết với số lượng hơn 10 tấn, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

"Nhà tôi nuôi gần 2.500 con cá trắm cỏ với trọng lượng trung bình từ 5-6 kg/con, giờ coi như mất trắng. Hiện tôi đang nợ hơn 300 triệu đồng tiền cám, giờ gia đình không biết lấy gì để trả nợ", ông Nhận buồn rầu nói.

Theo những hộ dân nuôi cá, ngày 27.1, người dân phát hiện nguồn nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê xả thải theo nguồn nước chảy ngược lên. Khi phát hiện ra nguồn nước bị ô nhiễm, các gia đình nuôi cá ở đây tìm cách chống chọi, cứu cá như huy động nhiều máy bơm nước để tạo oxy cho cá, di chuyển cá từ lồng vào các ao, hồ trong thôn nhưng chỉ hạn chế thiệt hại được phần nào.

Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Phù Cầm, xã Dũng Liệt cho biết: “Nguồn nước từ khu vực làng nghề giấy Đống Cao (Phong Khê, TP.Bắc Ninh) đưa lên rất hôi và thối, người dân ven sông đây không thể nào ngửi nổi. Những ngày bình thường, thủy triều đưa lên không lên tới trên này. Tuy vậy, khi có những đợt nước đổ ải, nước đó lại đẩy từ dốc Đặng (cống Đặng Xá – PV) lên trên này".

Ông Phạm Văn Thao (Lương Cầm, Dũng Liệt, Yên Phong): “Chúng tôi lo nhất từ giờ đến ra Tết Nguyên đán, nếu có lịch đổ nước ải, nước nguồn trên Đống Cao xuống lại đẩy nước từ làng giấy về đây thì còn bao nhiêu lại thiệt hại nốt, không thể gỡ nổi”.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết trên sông Cầu. Trước đó, vào tháng 3.2020 cũng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực này nhưng số lượng ít hơn.

Chưa thể khẳng định được là do ô nhiễm nguồn nước

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Ngô Duy Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt cho biết: trên toàn xã Dũng Liệt, bao gồm 4 thôn ở ven sông có 38 hộ chăn nuôi cá lồng với 113 lồng. Tập trung nhiều nhất là ở thôn Lương Cầm. Những ngày cuối tháng 1 - đầu tháng 2.2021, xảy ra hiện tượng cá chết nhiều.

"Về nguyên nhân thì phía Chi cục Thuỷ sản Bắc Ninh đã về kiểm tra, đo lượng oxy ở trong nước thì thấy không đảm bảo, chỉ đạt 0,3 – 0.4 mg/l; trong khi để bảo đảm cho cá nuôi trong lồng sinh trưởng và phát triển tốt phải trên 4mg/lít", Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt cho biết, "nguyên nhân ước ô nhiễm dẫn đến chết cá thì chưa thể khẳng định được".

Người dân sơ chế cá để giảm thiệt hại kinh tế. Ảnh: PV

Theo ông Ngô Duy Huân, chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo bà con không nên nuôi thả cá tại khu vực trên do khu vực đó không nằm trong quy hoạch chăn nuôi nghề cá đồng thời thượng nguồn có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm vì có các nhà máy trên Thái Nguyên. Tuy nhiên bà con thấy chăn nuôi có lợi nhuận nên vẫn tự làm.

"Do không nằm trong quy hoạch nên không có nguồn hỗ trợ nào của Nhà nước, vì vậy nếu đầu tư nuôi cá ở đây rất mạo hiểm. Bà con vẫn nuôi, đến bây giờ thiệt hại thì không có cơ chế nào để hỗ trợ cả", Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt cho biết.

Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo "cứu" sông Cầu

Theo đó, ngày 3.2, UBND tỉnh Bắc Ninh ra văn bản yêu cầu Sở TN&MT, Sở NNPTNT, Sở Xây dựng, Công an tỉnh, UBND TP. Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh trước đó về việc xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Cầu. Cơ quan chức năng báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 10.2.2021.

Cùng với đó, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu chỉ đạo Chi cục Thủy lợi báo cáo hằng ngày việc xả thải tại Cống Đặng Xá thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh đảm bảo giảm thiểu tối đa gây ô nhiễm nguồn nước chảy ra sông Cầu và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh theo quy định.

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm khu vực sông Cầu, ngày 2.2, UBND tỉnh Bắc Giang cũng có văn bản đề nghị Bộ TNMT, UBND tỉnh Bắc Ninh giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải gây ô nhiễm nước sông Cầu ở địa phận tỉnh Bắc Giang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn