MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay, nhiều người dân đã chú trọng đến việc sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Ảnh: Thanh Nga

Cà phê Tây Nguyên và một năm được mùa, giá cao kỷ lục

Phan Tuấn LDO | 01/01/2024 14:06

Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê với mức giá cao kỷ lục gần 70.000 đồng/kg, cao nhất trong hơn 30 năm nay nên người trồng cà phê hết sức phấn khởi.

Nông dân khấp khởi niềm vui

Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có tổng diện tích cà phê khoảng 639.000ha (chiếm 92% tổng diện tích trồng cà phê của cả nước).

Năm nay, cây cà phê đạt mức giá cao kỷ lục, gần 70.000 đồng/kg đã mang lại niềm vui rất lớn cho người nông dân phát triển loại cây trồng này.

Tại tỉnh Đắk Lắk, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay diễn biến thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng cà phê tương đối bảo đảm.

Bên cạnh đó, giá cà phê tăng cao đúng thời điểm thu hoạch nên niềm vui của người trồng cà phê được nhân lên. Dự kiến, sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 của Đắk Lắk có thể đạt từ 570.000 - 585.000 tấn, tăng 5 - 7% so với niên vụ trước.

Còn tại tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 141.000ha cà phê với sản lượng khoảng 361.000 tấn/năm, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên, xếp sau Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Hiện nay, rất nhiều người dân Đắk Nông cũng đang bước vào vụ thu hoạch cây cà phê với niềm vui được mùa, được giá. Đơn cử như trường hợp của anh Võ Phan Trường, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil có hơn 2ha cà phê trồng xen với 1.000 cây hồ tiêu. Hiện gia đình anh Trường đã thu hoạch xong 1.400 cây cà phê và đang tiến hành phơi, sấy.

"Với mức giá cà phê lên 68.000 đồng/kg nhân, tôi đã quyết định bán 1,5 tấn để trang trải cuộc sống và đầu tư phân bón cho mùa vụ tới. Còn lại 2 tấn cà phê, tôi chờ thời điểm phù hợp với công việc của gia đình rồi mới bán" - anh Trường cho biết.

Tập trung phát triển cà phê chất lượng cao

Hiện nay, thay vì trồng đại trà thì rất nhiều nông dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã làm quen với việc sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.

Đơn cử như cuối tháng 4.2023 vừa qua, những hạt cà phê đặc sản được sản xuất theo tiêu chí sạch, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe con người... ở Đắk Lắk đã được mua đấu giá 350 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay trên thị trường cà phê nhân ở Việt Nam.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 (Simexco Daklak) đã phối hợp với Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức phiên đấu giá lô hàng cà phê đặc sản đạt giải tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam - Vietnam Amazing Cup” năm 2023.

Tại tỉnh Đắk Nông, từ tháng 8.2022, UBND tỉnh đã có kế hoạch phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đắk Nông đang tập trung xây dựng vùng cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA), Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI).

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Đắk Nông đã phát triển được hơn 450ha cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản với sản lượng hơn 500 tấn. Trong đó, các địa chỉ sản xuất cà phê chất lượng cao và đặc sản phân bổ ở huyện như: Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk R'lấp, Krông Nô...

Theo ông Nguyễn Hữu Hạ - Giám đốc Hợp tác xã Công bằng Thuận An, việc sản xuất cà phê chất lượng cao bắt đầu từ khâu trồng, chăm sóc. Khi thu hoạch thì tỉ lệ quả cà phê chín phải đạt từ 90% trở lên. Cà phê được lựa chọn xong đưa vào dây chuyền để loại bỏ những hạt kém chất lượng, tạp chất. Cuối cùng là bảo quản cà phê đúng cách để không làm giảm chất lượng sản phẩm, nhất là hương vị tự nhiên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Nông, địa phương phấn đấu đến năm 2025, phát triển khoảng 1.000ha cà phê đặc sản, với sản lượng cà phê nhân chọn lọc từ 530 tấn/năm trở lên. Các vùng cà phê đặc sản được hình thành có ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn