MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng bà Hương cùng 4 cô con gái chụp ảnh với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ca sinh tư được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt tên

cường ngô LDO | 20/02/2018 12:58
Cách đây 40 năm, ca sinh 4 được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đỡ đầu, đặt tên là Bắc - Nam - Thống - Nhất. Hiện tại 4 người đều trưởng thành và có cuộc sống riêng.

Một mẹ nuôi tới bốn con nhỏ, giỏi ngang mẹ Việt Nam anh hùng

Sáng 6.12, Chúng tôi gặp bà Bùi Thị Hương (73 tuổi) tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ khu tập Yên Ngưu (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Căn phòng rộng 40m2, khá đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hương đầy tự hào khi nhớ lại khoảnh khắc được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt tên cho con và đến thăm gia đình vào mùng 2 Tết.

Cách đây 40 năm, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (còn gọi là Viện Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em Trung ương), bà Hương sinh 4 người con gái. Đây là ca sinh 4 được coi “chấn động” thời điểm đó. Do vậy, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã tặng 12 mét lụa, UBND thành phố Hà Nội, Viện Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em thường xuyên quan tâm chăm sóc. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử cán bộ xuống thăm nom, đặt tên cho 4 đứa trẻ là Bắc - Nam - Thống - Nhất và nhận đỡ đầu.

Qua lời kể, bà Hương sinh 4 khi mang thai lần hai, trước đó đã có môt con gái đầu lòng (năm 1970). Lần sinh này, bà mong muốn có con trai cho có nếp có tẻ, tròn bổn phận dâu con. Thế nhưng “đời không như là mơ”, cái thai đến tháng thứ ba lớn bất thường. Lo lắng, bà Hương đi siêu âm, được bác sĩ phán rằng, bào thai có đến tám chân 2 đầu. Siêu âm lại, bác sĩ kêu thai có 8 chân, 3 đầu. Nhiều người ác ý đồn bà mang “quái thai”. Chán nản, bà Hương và chồng định bỏ nhưng nghĩ thương con nên quyết giữ lại.

Đến tháng thứ tám, bốn đứa trẻ lần lượt ra đời. Bà Hương kể, sinh “bộ tứ” bằng biện pháp sinh thường, lúc 7h30 sáng 17.4.1977. Vừa sinh xong, bà Hương thiếp đi vì quá mệt, trưa tỉnh dậy thấy cả bệnh viện ầm ĩ... vì lạ.

“Bác sĩ cũng không nghĩ tôi sinh 4. Chứng kiến các con lần lượt chào đời, cả bệnh viện nhốn nháo cả lên, ai nấy đều mắt chữ O miệng chữ A”, bà Hương tâm sự, đồng thời cho biết ngay chiều hôm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử cán bộ xuống thăm nom, đặt tên cho 4 con gái, lần lượt là Bắc - Nam - Thống - Nhất.

Sau khi sinh, bà Hương phải nằm viện 2 tháng mới được về nhà. Tết năm đó, chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khiến bà vừa xúc động, vừa hạnh phúc. Bà nói đó là kỷ niệm không bao giờ quên, niềm vui lớn nhất cuộc đời.

“Đúng mồng 2 Tết, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng tùy tùng chở đường, sữa, quần áo đến thăm gia đình tôi ở khu tập thể Trung Tự. Thủ tướng bước vào, ông hỏi thăm các cháu, hỏi các cháu có thiếu gì không. Tôi đáp rằng, các cháu thiếu chiếc tủ lạnh để đựng thức ăn. Sau đó tôi nhận được chiếc tủ lạnh cùng áo len và một cuốn sổ tiết kiệm do Thủ tướng gửi tặng. Tôi nhớ Thủ tướng bảo: Một mẹ nuôi tới bốn con nhỏ, giỏi ngang ngang bà mẹ Việt Nam anh hùng”, bà Hương kể.

4 cô con gái của bà được nhận trợ cấp từ Thủ tướng đến năm 18 tuổi. Mỗi tháng Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho mỗi cháu 5 hào, sau tăng lên vài trăm nghìn đồng. Bản thân bà Hương cũng được hưởng 2 lương, gồm lương hưu và lương nuôi 4 người con.

“Ông Đồng gần gũi, thân thiện lắm. Ông luôn hỏi cặn kẽ như các cháu thích ăn gì, quà gì. Ăn uống xong, ông trò chuyện vui vẻ như người thân trong gia đình, hỏi chuyện học hành của mọi người”, bà Hương cho hay.

Làm thêm đủ nghề để nuôi 4 con

Do sinh non nên 4 cô con gái Bắc - Nam - Thống - Nhất chỉ nặng hơn 1 cân, sức khỏe yếu, khiến việc nuôi con vất vả hơn. Dù được Nhà nước cho hưởng 2 suất lương nhưng nhà có 7 miệng ăn, chừng đó cũng không đủ. Bởi vậy ngay khi sức khỏe ổn định, bà Hương cũng tranh thủ nuôi lợn, gà, trồng rau, trông trẻ...

“Nuôi 4 đứa trẻ cùng một lúc rất vất vả. Tôi phải mắc tới 4 cái võng, thắp hai bóng đèn, nguyên việc thay tã, vắt sữa cho 4 đứa trẻ cũng đủ “bở hơi tai”. Tôi thuê 3 người giúp việc nhưng không ai chịu được quá một tháng, nên phải làm thêm nghề trông trẻ để có tiền nuôi con, trang trải cuộc sống”, bà Hương kể.

Năm 2001, chồng bà mất vì bệnh ung thư. Bốn cô con gái cũng trưởng thành, xây dựng gia đình riêng. Chị Nguyễn Hoài Bắc lấy chồng ở phường Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ, Hà Nội), hiện có 2 con. Chị Nguyễn Ánh Nam và chị Nguyễn Truyền Thống cùng lấy chồng ở huyện Thanh Trì (Hà Nội). Hiện 3 chị đang góp vốn và mở hiệu làm tóc chung, thu nhập ổn định.

 

Riêng cô út Nguyễn Như Nhất đang ở cùng mẹ và cháu gái hơn 20 tuổi là con của chị gái đầu. Chị Nhất thị lực yếu nên xin làm việc tại Trung tâm Người khiếm thị huyện Thanh Trì.

Ngoài “bộ tứ”, vợ chồng bà Hương còn có người con gái lớn tên Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1970), đang làm nội trợ, lấy chồng ở quận Đống Đa. Công việc nội trợ nhàn hạ nên chị thường xuyên về thăm mẹ và các em.

“Mẹ không nhận ra con vì quá giống nhau”

Như nhiều cặp sinh đôi, sinh ba khác, bốn chị em Bắc, Nam, Thống, Nhất có nhiều điều trùng lặp nhau trong đời sống. Khi ốm thì cả bốn chị em cùng ốm, ăn cùng ăn, cùng sở thích, ngay cả “chuyện con gái” cũng... y hệt nhau.

Nói về tính cách của 4 cô con gái, bà Hương cho biết các con đều hiền lành, ngoan ngoãn, hiếu thảo. Ngoài tên do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt cho, 4 chị còn được gia đình gọi bằng tên khác là Thủy - Chung - Hiếu - Thảo. Từ nhỏ cả 4 có giọng nói rất giống nhau, đặc biệt khuôn mặt của chị Bắc và chị Thống như hai giọt nước, khiến nhiều lần, ngay cả bà cũng không phân biệt được.

“Có đứa tôi cho ăn rồi lại nhầm và cho ăn lần nữa. Ngay cả bây giờ khi các cháu đã lớn, tôi vẫn bị nhầm. Bắc và Thống rất giống nhau, thành thử nhiều khi con về thăm, tôi cũng không phân biệt được khi vừa tiếp xúc”, bà chia sẻ.

Cũng theo lời bà Hương, mấy năm nay, bà bị bệnh tim, sức khỏe giảm, việc đi lại khó khăn hơn. Hằng tháng, bà Hương phải đi viện khám và phải uống thuốc thường xuyên. Dù thế nhưng bản thân bà cảm thấy may mắn vì có thể nuôi nấng được các con khôn lớn, trưởng thành. Đến bây giờ, niềm vui của bà là giây phút cả gia đình đoàn tụ.

“Tôi tự hào vì các con sống hòa thuận, hiếu thảo. Ở tuổi này, điều tôi mong muốn nhất là các con mạnh khỏe, yêu thương nhau, bà Hương chia sẻ.

Ngoài trường hợp sinh tư này, bà Hương cũng biết có trường hợp sinh tư khác ở Hưng Yên, vào năm 1993. Thời điểm đó người ta nhờ bà về Hưng Yên hướng dẫn cách chăm sóc ca sinh tư này. Các cháu được đặt tên Hòa - Bình - Hạnh - Phúc. Gia đình họ rất nghèo, định cho bớt con nhưng bà Hương khuyên “bỏ cùng bỏ, nuôi cùng nuôi”.

“Về sau, hai gia đình chúng tôi cùng tham gia chương trình chuyện lạ Việt Nam, thấy đời sống của họ cũng khá giả lên nhiều”, bà kể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn