MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn hoá Huế vừa là nội lực vừa là sự cản trở phát triển của địa phương này. Ảnh: Trương Vững

Cả tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố Huế?

Tường Minh LDO | 03/01/2023 08:08

Huế - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang lấy ý kiến toàn dân về phương án đưa tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố Huế (trực thuộc Trung ương) trong nay mai.

Thành phố Huế và thành phố Thừa Thiên Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang cho lấy ý kiến rộng rãi toàn thể người dân về "phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương".

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lấy ý kiến người dân về phương án thành lập đơn vị hành chính gồm: Phương án 1: Thành lập 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện. Phương án 2: Thành lập 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.

Về tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Huế và thành phố Thừa Thiên Huế.

Về tên gọi các đơn vị hành chính cấp huyện khi thành phố Huế hiện nay được chia làm hai quận lấy sông Hương làm ranh giới. Ở phía Nam sông Hương sẽ có các tên gọi: quận Thừa Thiên, quận Thuận Hoá, quận Ngự Bình...

Ở phía Bắc sông Hương sẽ có các tên gọi quận Phú Xuân, quận Thuận Hoá, quận Hương Giang...

Trong đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lưu ý tên gọi Thuận Hóa chỉ được chọn đặt tên quận ở phía Nam hoặc phía Bắc để tránh tình trạng chọn cả hai.

Thành phố Hiện nay sẽ được chia làm 2 quận với sông Hương làm ranh giới. Ảnh: Trương Vững 

Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 2.1, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Mặc dù đang cho lấy ý kiến bước một với toàn thể nhân dân và sẽ có lấy ý kiến nhiều vòng thu hẹp nữa. Tuy nhiên, bước đầu đã có sự đồng thuận rất cao về tên gọi của thành phố tương lai là thành phố Huế. Điều này cũng dễ hiểu bởi nó ngắn gọn cũng như bản thân chữ Huế đã là một thương hiệu toàn cầu”.   

Tương tự là phương án lựa chọn về số lượng đơn vị hành chính. Theo ông Phương, hiện đang có sự đồng thuận cao về phương án thành lập 3 quận (Bắc Sông Hương, Nam Sông Hương và nâng cấp thị xã Hương Thuỷ lên thành quận Hương Thuỷ) 2 thị xã (Hương Trà và Phong Điền), 4 huyện (Phú Vang, A Lưới, Nam Đông + Phú Lộc và Quảng Điền).

Văn hóa là lợi thế cũng là trở ngại 

Theo ông Nguyễn Văn Phương thì Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương bằng nội lực văn hoá. Tức là chính quyền địa phương này đã và đang xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh trước năm 2025.

Huế sẽ “lên” Trung ương bằng nội lực văn hoá, nhưng văn hoá cũng là một trong những rào cản phát triển của Huế. Ảnh: Trương Vững 

Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao đến năm 2030.

Tuy vậy, theo thừa nhận của ông Nguyễn Văn Phương thì “trở ngại lớn nhất của Huế bây giờ lại là nề nếp văn hóa. Đây là một lợi thế của Huế và Huế sẽ cất cánh bằng nội lực văn hóa, nhưng đôi khi nội lực văn hóa lại là rào cản tư duy, dẫn đến việc chậm đổi mới cũng như thích nghi với cái mới”, ông Phương nói.

Khó khăn nữa với Huế thời điểm này, theo thừa nhận của ông Nguyễn Văn Phương là kinh tế có xuất phát điểm thấp, hiện tại phát triển chậm nên có nguy cơ tụt hậu so với nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Quy mô kinh tế nhỏ, chưa cân đối được thu chi ngân sách; kinh tế biển, kinh tế số, các ngành công nghiệp văn hóa phát triển chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn mạnh; chưa liên kết phát triển được với các tỉnh bạn... 

Tiếp đến là cơ sở hạ tầng còn yếu, thiếu kết nối Đông - Tây, liên kết không gian đô thị - nông thôn còn nhiều vấn đề bất cập; vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn hạn chế, vẫn bị phụ thuộc một phần vào Trung ương. Các ngành kinh tế có lợi thế, lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển; kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế đô thị và công nghiệp văn hoá phát triển chậm; chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn, mạnh...

“Chúng tôi luôn nhận thức một cách rất thẳng thắn về những khó khăn, thách thức, tuy nhiên với những tích lũy của nội lực trong một thời gian dài, các điều kiện để vươn lên đã rất tốt, tỉnh đã và đang quyết tâm xây dựng một đô thị xứng tầm với kỳ vọng sau hàng chục năm phấn đấu", ông Phương khẳng định!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn