MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dòng Đăk Psi (Kon Tum) cạn trơ khi thủy điện tích nước. Ảnh T.T

Các chủ thủy điện phải liên đới chịu trách nhiệm

THANH TUẤN LDO | 30/05/2022 10:51

Dòng sông Đăk Psi “oằn mình” gánh trên lưng hàng chục thủy điện lớn nhỏ và người dân phía hạ nguồn tỉnh Kon Tum gánh chịu nhiều thiệt hại ngang trái do xả lũ. Các chủ đầu tư thủy điện “đá bóng” trách nhiệm cho nhau khi dân kêu đòi bồi thường thiệt hại. 

Lỗi một mình thủy điện Đăk Psi 5, liệu có khách quan?

Ngược núi rừng lên phía thượng nguồn Kon Tum là hàng loạt thủy điện lớn nhỏ như: Đăk Psi bậc 1, bậc 2, Đăk Psi 2B, Đăk Psi 3, 4, 5… Trong đó, thủy điện Đăk Psi 5 đi vào hoạt động 10 năm nay, công suất 10MW, nằm cuối dòng sông Đăk Psi cùng với thủy điện Đăk Psi 6 đang thi công. Cùng tên Đăk Psi nhưng các thủy điện có chủ đầu tư khác nhau, có công ty lại thầu cùng lúc 3-4 thủy điện vận hành thương mại.

Mới đây, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - yêu cầu Sở Công Thương và UBND huyện Đăk Hà đôn đốc, kiểm tra Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 5) và Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Psi 6 sớm xử lý dứt điểm các kiến nghị của người dân. Nếu không giải quyết được sẽ kiến nghị việc tạm dừng mua điện…

Theo ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, ngành chức năng xác định việc gây ngập lụt cho 62 hộ dân Đăk Psi trong các cơn bão năm 2020, 2021 là do thủy điện Đăk Psi 5 tích nước. “Khi có thông tin mưa bão, thủy điện không hạ thấp mực nước để đón lũ, không xả cửa đáy, cửa cát để thoát lũ dẫn đến nước lũ dâng lên cao nhanh, làm ngập quanh vòng lòng hồ, thiệt hại cho hoa màu của người dân” - ông Nhất nói. Nếu quá hạn 30.6.2022, thủy điện Đăk Psi 5 không hoàn thành bồi thường thiệt hại cho 62 hộ dân, thì Sở Công Thương sẽ kiến nghị ra Tổng Cty Điện lực miền Trung về việc tạm dừng huy động công suất điện, cho đến khi công ty thực hiện xong trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Đăk Psi 5 cho rằng, bản thân đập nằm cuối dòng sông, trong mưa bão các thủy điện nằm trên đầu nguồn xả lũ với lưu lượng quá lớn khiến nước về nhanh, đập xả không kịp nên mực nước dâng cao gây thiệt hại.

Ông Lê Như Nhất nêu quan điểm: “Nói vậy cũng không đúng, các thủy điện trên đầu Đăk Psi 5 xả lũ với lưu lượng cho phép qua giám sát, họ không thể xả kiệt. Vì giữ lại nước cũng là giữ lại tiền của họ mà. Các hồ thủy điện bậc trên Đăk Psi 5 cũng không có chức năng điều tiết lũ”. Tuy nhiên, Sở Công Thương cũng không đưa ra được các hình ảnh, tài liệu chứng minh trong mưa lũ năm 2020, 2021 Đăk Psi 5 đã không xả cửa đáy, bị cát vùi lấp cửa xả…

Cần chia sẻ trách nhiệm trong bồi thường thiệt hại

Bị yêu cầu phải bồi thường thiệt hại cho cùng lúc 62 hộ dân với số tiền lớn, chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 5 đã làm đơn “kêu oan” với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Nhà máy thủy điện Đăk Psi 5 - cho biết: “Do thủy điện gần với địa bàn người dân Đăk Psi sinh sống nên mỗi lần thiệt hại do xả lũ, người dân cứ hiểu nhầm và cho rằng thủy điện gây ra. Thực tế, Đăk Psi 5 chỉ là một thủy điện công suất nhỏ, hoạt động yên ổn đã 10 năm nay”.

Theo ông Minh, thủy điện được thiết kế với đập tràn nên lũ về bao nhiêu thì thoát bấy nhau, không giữ nước lại, đơn vị vừa phát điện vừa xả cửa đáy theo quy định. Công ty kiến nghị các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền của tỉnh Kon Tum cần phải vào cuộc, rà soát lại quy trình xả lũ của nhiều thủy điện trên dòng.

Năm 2020, thủy điện Đăk Psi bậc 1, bậc 2 của Công ty thủy điện Đức Nhân đi vào hoạt động, đã xả lũ với lưu lượng lớn, vượt qua dung tích thiết kế 13 lần của hồ Đăk Psi 5. Theo chủ đầu tư Đăk Psi 5, đây mới là nguyên nhân chính gây ngập lụt cho 62 hộ dân trên địa bàn.

Thủy điện Đăk Psi bậc 1, bậc 2 của Công ty Đức Nhân có dung tích toàn phần gần 20 triệu mét khối. Trong khi dung tích toàn phần của hồ thủy điện Đăk Psi 5 chỉ có 1,56 triệu mét khối nước. Ông Nguyễn Ngọc Trang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, Kon Tum - khẳng định: “Các thủy điện vùng thượng nguồn cùng xả lũ thì ít nhiều có ảnh hưởng đến hạ du. Chủ đầu tư phải trích ra kinh phí, lợi nhuận của mình để có trách nhiệm trong an sinh xã hội. Mặt khác, nếu chủ đầu tư thủy điện Đăk Psi 5 khẳng định không phải lỗi do mình thì cần có báo cáo rõ ràng, để cấp có thẩm quyền rà soát, xem xét lại”.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn