MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở ăn sâu vào tuyến đường tại khu vực bờ sông Giao Hòa, trên địa bàn xã Giao Long (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ảnh: Thành Nhân

Các con sông đói phù sa, sạt lở bủa vây ở miền Tây

Thành Nhân LDO | 11/12/2023 17:35

Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở là do suy giảm lượng phù sa và khai thác cát ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu không biện pháp thì hậu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.

Trao đổi với Lao Động, PGS. TS Lê Anh Tuấn - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, khu vực ĐBSCL có khoảng 600-700 điểm sạt lở, đoạn sạt lở. Hiện nay, sạt lở ở khu vực ĐBSCL trở thành vấn nạn nghiêm trọng cho tất cả các tỉnh, thành. Sạt lở xảy ra nhiều nhất thường ở vùng dọc theo 2 con sông (sông Tiền và sông Hậu) và các tỉnh ven biển ở vùng ĐBSCL. Sạt lở đã làm cho vùng này mất khoảng 600-700 hecta/năm. Hiện nay, nguy cơ sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do lượng cát, phù sa từ thượng nguồn đổ về vùng ĐBSCL ngày càng giảm. Từ đó, làm cho đặc điểm dòng chảy trở nên mạnh hơn và gây ra hiện tượng nước “đói” gây sạt lở.

Ngoài ra, do tình trạng khai thác cát nhiều tại vùng ĐBSCL để xây dựng, giao thông, san lấp và các hoạt động khác. Một khi dòng sông bị khai thác quá nhiều thì dòng chảy thay đổi và tốc độ dòng chảy cũng tăng lên do đó nguy cơ sạt lở gia tăng lên. Đồng thời, còn một số nguyên nhân khác là sự gia tăng của các công trình dọc bờ sông,...

“Nguyên nhân chính là do suy giảm lượng phù sa và khai thác cát ở khu vực ĐBSCL nên gây sạt lở nhiều hơn. Bên cạnh đó, còn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… và tình trạng thiếu nước ngọt nên người dân có khuynh hướng khai thác nước ngầm nhiều hơn nên làm cho vùng này sụt, lún nhiều hơn dẫn đến tiếp tay cho sạt lở, mất đất ở vùng ĐBSCL”, PGS. TS Lê Anh Tuấn nói.

PGS. TS Lê Anh Tuấn đánh giá, hiện nay, các địa phương bỏ ra hàng chục, cho tới hàng trăm tỉ đồng để gia cố những đoạn sạt lở. Từ làm kè, đổ đá, đóng cọc cho tới kiên cố hơn làm bê tông… Nhưng có những đoạn có thể chống đỡ được trong một thời gian nhất định, còn một số đoạn thì không chịu nổi sự phá hoại của thiên nhiên. Do đó, đây là một vấn đề rất đau đầu để nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà quản lý, người dân ở địa phương.

“Đến bây giờ, chúng ta chưa có một biện pháp nào chống sạt lở một cách hiệu quả, chỉ có thể làm giảm tác động của sạt lở. Còn về lâu dài thì chưa ngăn chặn được các nguyên nhân chính, điều đó dẫn đến sẽ còn nguy cơ tiếp tục sạt lở trong tương lai”, PGS. TS Lê Anh Tuấn chỉ rõ.

Người dân khu vực sạt lở bờ sông Giao Hoà (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) lo lắng trước tình trạng sạt lở hiện nay. Ảnh: Thành Nhân

PGS. TS Lê Anh Tuấn cho rằng, tại các đoạn xung yếu ở vùng ĐBSCL cần di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, không bố trí các công trình. Đồng thời, ở vị trí giữ được đất thì trồng cây để ít bị sạt lở.

Đối với vấn đề khai thác cát, PGS. TS Lê Anh Tuấn nhận định, đây là vấn đề khó khăn của vùng ĐBSCL khi sản lượng không đủ để cung ứng cho các công trình làm đường cao tốc, xây dựng dân dụng - công nghiệp. Do đó, cần phải tính đến nhập cát ở nơi khác để sử dụng cho vùng ĐBSCL. Song song đó, hiện nay đang thử nghiệm sử dụng cát biển để làm đường cao tốc sẽ làm gia tăng sạt lở ở vùng ven biển. Do đó, cần phải đánh giá tác động môi trường một cách thận trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn