MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các di tích, đền chùa tại Hà Nội "cửa đóng, then cài" trong ngày lễ Vu Lan

Phạm Đông - Hải Nguyễn LDO | 22/08/2021 12:08

Năm 2021, lễ Vu Lan rơi vào Chủ nhật (ngày 22.8) dương lịch khi mà cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố lớn đang thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách toàn xã hội. Do đó, các cơ sở di tích, đền chùa tại Thủ đô Hà Nội vẫn tiếp tục đóng cửa, dừng đón khách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Vu Lan báo hiếu là một trong những dịp lễ quan trọng của Phật giáo được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm nhằm đề cao chữ hiếu của con người. Tuy nhiên, mùa “hiếu hạnh” năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các cơ sở thờ tự trên địa bàn Hà Nội phải đóng cửa để thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Thay vì làm lễ ở chùa như mọi năm, năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị tăng ni phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến online trong mùa Vu Lan.

Đền Voi Phục (Cầu Giấy, Hà Nội) đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Hải Nguyễn
Chốt kiểm soát của Công an phường Ngọc Khánh ngay tại khu vực gần đền Voi Phục. Ảnh: Hải Nguyễn 

Theo ghi nhận ngày 22.8 (tức 15.7 âm lịch), các điểm di tích, đền chùa đều dán thông báo tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội để phòng chống dịch COVID-19. Những địa điểm này đều vắng bóng người qua qua lại, khác hẳn với những năm trước.

Cụ thể, các di tích ở Hà Nội như đền Voi Phục, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Hà... đều cửa đóng then cài. Nhiều di tích được Ban quản lý dán thông báo "tạm dừng đón khách tham quan để phòng, chống dịch COVID-19".

Đền Quán Thánh treo thông báo đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Đông

Ông Đoàn Ngọc Duy Thanh (Ban Quản lý Khu di tích Đền Quán Thánh) cho biết, thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, khu di tích này đã thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoạt động để đảm bảo giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Thanh, thời điểm lễ Vu Lan - Rằm tháng 7 hằng năm tại khu di tích đền Quán Thánh thường có rất đông người dân tới dâng lễ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vào năm nay nên thành phố đã quyết định tạm ngừng đóng cửa các cơ sở thờ tự, khu di tích. Chính vì vậy, Ban quản lý cũng thực hiện nghiêm việc này cho tới khi có chỉ đạo mới của thành phố.

Chùa Trấn Quốc dựng rào chắn ngay từ đường vào. Ảnh: Phạm Đông

Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số người dân thực hiện tinh thần “ai ở đâu ở đấy” thì vẫn còn một số người dân đứng từ ngoài vái vọng vào trong. Thậm chí có người còn kéo khẩu trang xuống cằm để hành lễ. Việc này đã vi phạm quy định giãn cách trong thời điểm dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.

2 người đến trước cửa Chùa Hà hành lễ, vái vọng vào bên trong vi phạm Chỉ thị 16. Ảnh: Hải Nguyễn 
 Người phụ nữ vái lạy trước cửa chùa Phúc Khánh sáng 22.8. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo nhà nghiên cứu văn hoá - TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), không phải cứ đến chùa làm lễ mới là bày tỏ lòng thành kính với cha mẹ, tổ tiên. Sẽ không có ảnh hưởng gì trong phương thức bày tỏ lòng thành kính bởi lẽ “Phật tại tâm”.

TS Nguyễn Ánh Hồng cho biết, lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Do đó, đây không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của người dân Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn