MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bọ đen có thể gây bỏng cho người. Ảnh: THANH TUẤN

Các xã biên giới ở Gia Lai chưa diệt được bọ đen

THANH TUẤN LDO | 24/06/2020 08:32

Ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo Lao Động về nạn bọ đen hoành hành khu vực các xã biên giới, UBND huyện Ia Grai, Gia Lai đã xuống hiện trường. Bước đầu, ban ngành chức năng của huyện đã đề xuất nhiều biện pháp tạm thời được cho là có thể hạn chế được nạn bọ đen.  

Dịch tiết bọ đen gây bỏng da

Trong vòng 3 năm trở lại đây, nạn bọ đen hoành hành ở các xã giáp biên giới thuộc huyện Ia Grai. Một số người dân phải rao bán nhà hoặc dọn đi nơi khác vì không chịu được bọ đen tấn công. Khi trẻ em và người lớn đụng chạm phải loài bọ này, da thịt phồng, rộp, ngứa rát, sau đó thì để lại sẹo. Do phải phun thuốc trừ sâu để tiêu diệt bọ đen nên nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, đời sống người dân.

Tối ngày 22.6, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Grai, Gia Lai đã có báo cáo nhanh gửi về UBND huyện. Ghi nhận của ngành Bảo vệ thực vật Gia Lai, bọ đen có đặc tính là loài cánh cứng, có tên khoa học là Mesomorphus villiger, thuộc Bộ Coleoptera, giống Lophocates. Bọ đen thường sinh sống ở những nơi có nhiều xác, bã thực vật, vườn caosu, vườn cây ăn trái. Bọ đen xuất hiện thành đàn vào đầu mùa mưa, nhất là từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm.

Loài này có tính hướng quang, buổi tối khi ánh đèn ở các hộ gia đình bật sáng là chúng bay vào nhà. Qua kiểm tra thực tế một số nơi như làng Cúc, làng Kloong, làng Dăng, làng Bi… thuộc xã Ia O, Ia Krái thì bọ đen bay vào nhà dân từ khoảng 19 đến 21 giờ đêm. Sau đó chúng rớt xuống mặt đất và tập trung lại thành từng đám.

Thử nghiệm cách rải vôi bột

Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp và lãnh đạo huyện Ia Grai cùng UBND các xã như Ia O, Ia Khai, Ia Krái, Ia Chía… đã thống nhất khuyến cáo cho người dân một số biện pháp ban đầu như, phát động tổng vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, môi trường sống xung quanh. Buổi tối, người dân nên tắt ánh sáng đèn trong nhà và đóng kín các cửa, dùng các vật dụng chèn kín các khe cửa lại để bọ đen không vào được.  

Những nơi bọ đen hay bay vào thì dùng vôi bột rải dưới nền nhà, trên vật dụng sinh hoạt để có thể hạn chế chúng hoặc khiến chúng bay đi nơi khác. Ban đêm, tắt điện trong nhà, sau đó dùng bóng đèn có công suất cao thắp ngoài sân để dẫn dụ bọ đen đến bên dưới bóng điện, sau đó mới thu gom lại và đốt đi.

“Do loài vật này cư trú trong nhà nên không thể sử dụng được thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ vì ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, động vật nuôi và môi trường” - ông Đỗ Xuân Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Grai, Gia Lai - nói.

Ông Lê Ngọc Quý - Chủ tịch UBND huyện Ia Grai - cho biết, để có giải pháp phòng chống hiệu quả và tìm ra loại thuốc đặc trị được bọ đen, cần phải có các nhà chuyên môn, khoa học về khảo sát, nghiên cứu. Ở mức độ cấp huyện không đủ năng lực, trình độ để nghiên cứu về loài bọ đen này. “Mấy năm trước, huyện cử Trung tâm y tế về tổ chức phun xịt bọ đen bằng bình xịt cao áp. Tuy nhiên, được nửa tháng thì bọ đen xuất hiện trở lại. Những nơi như nhà sàn, nhà gỗ thì chúng có xu hướng bay vào nhiều hơn” - ông Quý thông tin.  

Theo ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai - đơn vị đã nắm thông tin qua Chi cục Trồng trọt vào Bảo vệ thực vật. Sở đã có chỉ đạo, do việc bọ đen không gây hại cho mùa màng, cây cối nên sẽ phối hợp, trao đổi thông tin với Sở Y tế để làm rõ nguyên nhân nạn bọ đen. Điều quan trọng trước mắt là hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế, phun tiêu độc khử trùng môi trường thôn làng cho người dân các xã biên giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn