MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng hóa vàng Tết Canh Tý

Bích Hà LDO | 26/01/2020 14:11
Theo quan niệm dân gian của người Việt, hết 3 ngày tết, các gia đình lại sửa soạn mâm lễ để tổng kết và tiễn ông bà về âm cảnh. Lễ cúng này được gọi là lễ hóa vàng.

Hóa vàng là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Lễ cúng hóa vàng thường được gọi là lễ tiễn ông bà tổ tiên hay lễ tạ đầu năm mới.

Lý giải về tục hóa vàng của người Việt, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho biết, người xưa quan niệm, Tết sẽ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Các gia đình làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo và lau dọn ban thờ, nhà cửa để đón Tết. Sau đó, các gia đình đi nhận mộ, mời Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Mâm cỗ cúng hóa vàng chính là những món ăn quen thuộc trong ngày Tết. 

Vào ngày 30 Tết, con cháu sẽ làm lễ cúng Tất niên tại ban thờ gia tiên, rồi đến cúng đêm giao thừa và kết thúc bằng lễ hóa vàng để tạm biệt tổ tiên sau những ngày Tết đầm ấm. Việc hóa vàng cũng mang ý nghĩa đón thần tài, thần lộc về cho gia đình.

Lễ hoá vàng có thể được các gia đình tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5, mùng 7 hoặc mùng 10 âm lịch.

Gia đình có nhiều anh em không ở chung nhà có thể làm lễ hoá vàng khác ngày nhau và sắp xếp để người anh lớn nhất hoặc người có cha mẹ ở chung thì làm lễ hoá vàng cuối cùng và tất cả anh em sẽ đến để cùng quâ quần.

Mâm cỗ cúng hóa vàng

Lễ vật hóa vàng thường được chuẩn bị giống với đồ lễ cúng gia tiên của gia chủ, thường gồm: Hương, hoa, ngũ quả, vàng mã, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét), xôi.

Cùng với đó là mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món mang đặc trưng ngày Tết.

Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu con gà trống, bát canh, đĩa xào, giò, hay nem rán. Sau đó, con cháu trong nhà sẽ lễ tạ thần Phật, gia tiên.

Cũng theo quan niệm dân gian, trong lễ hóa vàng, người dân thường đốt vàng mã vì nghĩ rằng "trần sao âm vậy". Theo tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt hai cây mía dài để làm “đòn gánh” cho vàng cho người ở cõi âm, cũng là vũ khí để xua đuổi  quỷ dữ.

Ngày nay, việc đốt vàng mã trong lễ hóa vàng được khuyến cáo vì có thể ảnh hưởng đến môi trường sống.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng điều quan trọng là bàn thờ cần hương khói đầy đủ trong 3 ngày Tết và các nghi lễ khấn cúng được thực hiện với sự kính cẩn của gia chủ. Người dân không nên đốt quá nhiều vàng mã có thể dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết. 

Trong sách "Nghi lễ vòng đời người" của nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, TS Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường viết về lễ hóa vàng như sau: "Lễ hóa vàng là lễ cúng đưa ông bà, còn gọi là cúng tiễn ông vãi. Có gia đình cúng ngày mồng ba, có khi mồng bốn. Họ làm mâm cơm cúng gia tiên, rồi đem bào nhiêu vàng mã đã cúng trong ba ngày tết ra hóa. Những vàng mã dành cho người mới mất trong năm qua thì được hóa riêng. 

 Khi hóa vàng xong thì người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng.  Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng. Trong bữa cơm hóa vàng, con cháu tề tựu đầy đủ, thân mật và sau đó chia tay, chấm dứt mấy ngày tết".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn