MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các món thường có trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa: Dân Trí

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng cầu may mắn cho cả năm Mậu Tuất

An Nguyễn LDO | 01/03/2018 10:42
Vào ngày Rằm tháng Giêng các gia đình thường tổ chức cúng bái để cầu cho một năm mới với nhiều may mắn và bình an.

“Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “Giỗ tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” là những câu thành ngữ nói lên tầm quan trọng của ngày rằm tháng Giêng với người Việt.

Năm 2018, rằm tháng Giêng rơi vào ngày 2.3 dương lịch. Thời gian cúng Rằm tháng Giêng tốt nhất là vào sáng ngày 2.3 dương lịch (tức ngày 15 tháng giêng âm lịch) vì đây là thời khắc Thần Phật giáng thế.

Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được công việc để cúng vào ngày giờ đó thì các gia đình có thể cúng trước từ sáng ngày 1.3 dương lịch (tức 14 tháng giêng âm lịch) đến trước 19h ngày 2.3 dương lịch (tức ngày 15 tháng giêng  âm lịch).

Sắm lễ để cúng rằm tháng Giêng

Những gia đình có ban thờ Phật có thể làm mâm cỗ chay tinh khiết (gồm các món ăn chay) để cúng Phật. Hoặc không quá cầu kỳ, chỉ cần hương, hoa tươi, quả tươi, đèn, nến.

Trong ngày rằm tháng Giêng nhất thiết phải có lễ cúng gia tiên, gồm có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu và mâm cỗ mặn.

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có nhà cúng Thổ công, Thần tài… nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, tạ ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.

 Có thể dùng bánh trôi, bánh chay để cúng rằm tháng Giêng. Ảnh: T. L

Ngày nay, nhiều người dân cúng rằm tháng Giêng có món bánh trôi nước, với ý nghĩa cầu mong mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy...

Ngoài ra, các gia đình có thể đến chùa, dâng hương hoa lên Đức Phật để cả năm được bình an, mát mẻ.

Ngày nay, một số gia đình còn sắm lễ vật để làm một mâm cỗ  cúng ngoài trời (chỉ là một mâm hoa quả, có thể thêm bánh trôi, bánh chay, hoa tươi, đèn, nến, bài vị) để dâng sao giải hạn. Việc làm này tùy vào quan niệm và điều kiện của mỗi người.

Gợi ý mâm cỗ cúng rằm tháng giêng đầy đủ nhất

Theo các chuyên gia văn hóa, mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng không cần phải quá cầu kỳ và tùy theo điều kiện từng gia đình để thực hiện. Dưới đây là gợi ý các món ăn trong mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.

Mâm cỗ chay cúng Phật gồm:

- Hoa quả. Chè xôi.

- Các món đậu.

- Canh xào không thêm nhiều hương liệu.

- Bánh trôi nước.

Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên:

Ngoài việc chuẩn bị các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, một chút vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ mặn để cúng gia tiên.

Thông thường mâm cỗ mặn có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món.

- 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc.

- 6 đĩa gồm: Thịt gà trống luộc (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem, đĩa xào, dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng), nước chấm.

Lưu ý: Theo chia sẻ của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, các gia đình không nhất thiết phải sắm sửa mâm cao cỗ đầy. Với những gia đình không có điều kiệu hoặc có không nhiều thời gian thì "tùy tiền biện lễ", có thể dâng cúng đĩa xôi gấc hoặc cái bánh chưng cùng với một khoanh giò trên ban thờ gia tiên, mong một năm đầu xuôi đuôi lọt, mọi sự hanh thông. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm, là lòng thành mỗi người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn