MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện đại hóa có nguy cơ làm phai mờ lịch sử, văn hóa đô thị. Ảnh: Lê Tuấn

Cách mạng 4.0, hiện đại hóa có nguy cơ làm phai mờ lịch sử, văn hóa đô thị

THÙY TRANG LDO | 18/08/2023 11:49

Ngày 18.8, hội thảo quốc tế của cộng đồng quy hoạch khu vực châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề “Quy hoạch bảo tồn và phát triển giá trị các đô thị lịch sử trong bối cảnh mới” với sự tham dự của nhiều đại biểu, chuyên gia quốc tế đã khai mạc tại Đà Nẵng.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, quy hoạch đô thị, hệ thống đô thị Việt Nam đã được hình thành lâu đời, theo 3 giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau. Tính lịch sử được thể hiện rõ nét trong cấu trúc, hình thái phát triển đô thị với các nếp cắt theo vùng tiềm năng di sản dễ nhận biết.

Sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả.

Đến cuối năm 2022, hệ thống đô thị Việt Nam đã có 888 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 42% năm 2022.

Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.

Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 75% GDP cả nước.

Bước đầu Việt Nam đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Các đô thị được hình thành từ lâu đời như Hà Nội, Huế, Hội An... trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển Chính phủ luôn quan tâm đến các yếu tố lịch sử, văn hoá, di sản... để đảm bảo hệ giá trị này được gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị trong quá trình đô thị hoá...

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, những biến đổi trong quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa, số hóa và cuộc cách mạng 4.0 luôn có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng được thiết lập giữa con người và môi trường sống, làm cho những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống có nguy cơ bị phai mờ. Tính dân tộc, hiện đại trong văn hóa nói chung, thử thách to lớn với mỗi quốc gia trong quá trình tồn tại và phát triển.

Các quá trình này ngoài những tác động tích cực còn có những tác động tiêu cực khó kiểm soát, có nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian đô thị lịch sử, truyền thống.

Với hội thảo lần này với 160 bài tham luận từ các chuyên gia quốc tế sẽ góp phần giải quyết các vấn đề như: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị; Bảo tồn di sản trong tái tạo đô thị và quản lý đô thị; Đô thị di sản và Quy hoạch thông minh; Thành phố di sản và cộng đồng…

“Đây là dịp để các chuyên gia quốc tế, các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, sinh viên trong nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác quy hoạch phát triển đô thị, bảo tồn phát huy giá trị các đô thị lịch sử đến từ các Hội Quy hoạch Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau tiến tới sự đồng thuận các giải pháp trong công tác quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị các đô thị lịch sử, truyền thống trong bối cảnh mới” – ông Chính cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn