MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần nắm chắc tình hình thị trường lao động, việc làm để có những phương án phù hợp (ảnh minh hoạ). Ảnh: Hải Nguyễn

Cách nào để doanh nghiệp vượt khó, giữ chân người lao động?

VƯƠNG TRẦN LDO | 25/05/2023 08:37

Hôm nay (25.5), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2022; Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động mất việc làm được xử lí thế nào là câu hỏi được đặt ra!

Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động mất việc

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh - cho biết, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã tiến hành thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 công nhân. 

Trước đó, vào tháng 3.2023, do khó khăn về đơn hàng, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã không tiếp tục tái kí hợp đồng lao động với 2.358 lao động.

Như vậy, chỉ trong mấy tháng đầu năm 2023, chỉ riêng Công ty PouYuen Việt Việt Nam đã có hơn 8.000 công nhân mất việc làm. Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động mất việc làm còn diễn ra tại nhiều công ty khác.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng; gia tăng tình trạng người lao động mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp; tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ ra tình trạng người lao động bị giảm việc, mất việc trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động có xu hướng tăng, tại thời điểm 1.4.2023 chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm trước (ngành dệt giảm 3,5%, ngành may giảm 5,2%, ngành da, ngành gỗ giảm 6,1%...). 

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, số lao động mất việc làm trong quý I/2023 là 149 nghìn lao động, tăng 39 nghìn lao động so với quý IV/2022.  Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1.4.2023 giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước. 

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm trong quý I/2023 để có nhận định, phân tích chính xác.

Dự báo chính xác thị trường, hỗ trợ người lao động

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) - phân tích: Những lĩnh vực như da, may mặc, đồ gỗ, chế biến gỗ… bị mất nhiều đơn hàng. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, kéo theo người lao động bị giảm việc, mất việc…

Do đó, lúc này cần đặc biệt quan tâm tới việc định hướng, dự báo về thị trường như thị trường về hàng hoá, thị trường xuất nhập khẩu, thị trường tiêu dùng. Công tác dự báo là hết sức quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong việc định hướng, sử dụng lao động. Như vậy cần dự báo trong trung hạn để chúng ta chuẩn bị được nguồn nhân lực và đáp ứng nguồn nhân lực.

“Ngành Lao động Thương binh và Xã hội, tổ chức Công đoàn, các cơ quan có liên quan cần phải nắm chắc tình hình, thực trạng sử dụng lao động hiện nay và nắm rất rõ tới từng người một để có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng hay sử dụng họ vào công việc mới” - ông Trung nêu ý kiến.

Đối với doanh nghiệp cần phải xác định rõ định hướng sản xuất, từ định hướng sản xuất để định hướng về vấn đề lao động.

Theo ông Trung, vừa qua, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế GTGT cũng là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tận dụng để đầu tư sản xuất, đào tạo nghề và giữ chân người lao động. Đây là liều thuốc tốt trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, cần phải hỗ trợ giảm chi phí để doanh nghiệp duy trì được sản xuất, giữ chân người lao động.

Theo Tổng LĐLĐVN, từ tháng 9.2022 đến tháng 1.2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%; 4 tháng đầu năm, tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng. Nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn