MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự kiến sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7%. Ảnh: Hải Nguyễn

Cải cách tiền lương phải đảm bảo thu nhập phù hợp, không cào bằng

Thu Hiền LDO | 21/10/2023 13:10

Dự kiến sau năm 2024, mỗi năm, mức tiền lương sẽ tăng 5-7%. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu cải cách tiền lương (CCTL) là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương; cần tránh có nơi thu nhập cao, nơi thu nhập thấp nhưng nhiệm vụ lại thực hiện như nhau.

Cùng một công việc, tránh có nơi thu nhập cao, nơi thu nhập thấp

Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vừa qua đã thảo luận về lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới, cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về CCTL đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, dự kiến thực hiện từ ngày 1.7.2024.

Liên quan đến chính sách CCTL, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16.10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, lần điều chỉnh này sẽ mang tính chất cải cách. Không chỉ là điều chỉnh lương, không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập, mà theo Nghị quyết 27, CCTL gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, 2 nội dung điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm kỷ luật, kỷ cương công vụ nên cần rà soát sắp xếp cán bộ, công chức để bảo đảm yêu cầu đề ra. Vì vậy cần rà soát, sắp xếp lại cán bộ công chức, những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy né tránh phải có biện pháp xử lý. Thậm chí người yếu năng lực cần đưa ra khỏi bộ máy.

Cũng nêu ý kiến liên quan đến chính sách CCTL tại phiên họp, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - cho rằng, thực hiện CCTL theo lộ trình cần đảm bảo thu nhập phù hợp cho cán bộ cơ sở giữa các ngành lĩnh vực, tương ứng với trách nhiệm. “Điều này tránh có nơi thu nhập cao, nơi thu nhập thấp nhưng nhiệm vụ lại thực hiện như nhau” - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Phải có bài toán đi trước về mặt nhân sự

Trao đổi với Lao Động, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh, tiền lương tạo ra “đòn bẩy” để kích thích, để cho người lao động phấn đấu, quan tâm nhiều hơn đến vận mệnh, thanh danh của đơn vị mà người ta cống hiến.

Tuy nhiên, nếu muốn tăng lương thì phải có bài toán đi trước về mặt nhân sự. Muốn giải quyết được bài toán nhân sự thì cần phải cân đối quỹ tiền lương. Còn muốn sắp xếp được nhân sự thì bản thân các cơ quan, đơn vị, cao hơn là Nhà nước phải có chiến lược về nhân sự, vị trí việc làm, từ đó đào tạo, bồi dưỡng và biết trọng dụng các nhân tài, đặc biệt là các nhân tài xuất sắc, phải biết “chiêu hiền đãi sĩ”.

Tại cuộc tiếp xúc Hải Phòng mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về CCTL, đây là vấn đề đại sự. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định quan điểm “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, trong đó, CCTL chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Về nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội thông báo đến nay, chúng ta cũng đã chuẩn bị được khoảng 500.000 tỉ đồng cho công tác CCTL. Từ nay cho đến thời điểm dự kiến thực hiện ngày 1.7.2024 cần tập trung hoàn thiện vị trí việc làm, chức danh, chức vụ công tác làm cơ sở cho việc CCTL.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần CCTL theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn