MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công tác cai nghiện tại địa phương còn nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: NĐ

Cai nghiện ma tuý tại địa phương: Thiếu kiến thức, kỹ năng lẫn hướng dẫn

Thuỳ Trang LDO | 04/07/2022 13:24

Cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 116/NĐ-CP (Nghị định 116) quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma tuý, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý. Tại đây, các địa phương đã nêu rõ những khó khăn từ việc thành phố chưa có văn bản hướng dẫn cho đến cán bộ tại cơ sở chưa được tập huấn nên công tác cai nghiện gặp không ít khó khăn.

Cán bộ cai nghiện còn kiêm nhiệm, không có trường lớp đào tạo

Đại diện UBND phường Hoà Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết qua triển khai thực hiện Nghị định 116 còn có nhiều bất cập, vướng mắc như Nghị định của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022 tuy nhiên đến nay UBND thành phố vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để UBND phường thực hiện.

Theo quy định mới hiện nay thì cán bộ Trạm Y tế phường không đủ thẩm quyền xác định tình trạng người nghiện ma túy. Cán bộ phụ trách Phòng chống tệ nạn xã hội, Công an phường, y tế và các bộ phận, đơn vị liên quan thì chưa được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phải có cơ sở dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đảm bảo đầy đủ các điều kiện và được UBND cấp huyện đồng ý cho phép mà địa phương chưa đảm bảo được các điều kiện để tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Quận Liên Chiểu cũng có ý kiến, là địa bàn rộng lớn, đông dân nhập cư, tạm trú với nhiều trường học, có bến xe nên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, công tác cai nghiện tự nguyện còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là người trực tiếp theo dõi thực hiện ở cấp cơ sở, tổ công tác cai nghiện tại cơ sở chưa có sự phối hợp hiệu quả từ việc lập hồ sơ quản lý, giáo dục tại phường; điều kiện trang thiết bị và nhân lực y tế chưa đủ điều kiện để làm công tác xác định tình trạng nghiện, tổ chức cắt cơn, giải độc nên công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả không cao…

Việc tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng còn nhiều khó khăn lúng túng, cán bộ được phân công kèm cặp tiếp cận đối tượng khó, một số cán bộ cũng chưa nhiệt tình, tâm huyết còn bỏ ngỏ, chưa nắm vững quy trình, việc lập hồ sơ. Tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng mới chỉ dừng lại ở mức giống như là một hình thức xử phạt hành chính, chỉ chú trọng lập hồ đưa đi cai nghiện tập trung.

“Công tác cai nghiện vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng công tác đào tạo cán bộ trên lĩnh vực này chưa có trường lớp, cùng với đó cán bộ làm công tác này còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác, chế độ chính sách đối với cán bộ còn hạn chế nên chưa thu hút được người có trình độ cao. Số người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng tăng và để lại nhiều hệ quả, nhưng đến nay chưa có phác đồ điều trị” - đại diện quận Liên Chiểu nêu khó khăn.

Nhanh chóng ban hành hướng dẫn, tập huấn cán bộ

Trước thực tế đó, UBND quận Thanh Khê kiến nghị, cần đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy gồm cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế bằng Methadone và kết nối các dịch vụ hỗ trợ xã hội sẵn có tại địa phương; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực hệ thống tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy. Ngành y tế cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành văn bản hướng dẫn xác định tình trạng nghiện ma túy; đồng thời, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở về chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy để hỗ trợ thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng...

Sở Y tế thành phố bổ sung cho phép 5 Trạm Y tế trên địa bàn quận Liên Chiểu được xác định tình trạng nghiện ma túy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa đối tượng nghiện ma túy lên Cơ sở xã hội Bầu Bàng kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, Nghị định số 116 có nhiều điểm mới, thể chế hóa Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện nghị định tại Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và cơ sở hạ tầng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị, sau hội nghị này, các ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ để tổ chức triển khai Nghị định số 116 trên cơ sở bám sát các nguyên tắc và phù hợp tình hình thực tế. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp các ngành tham mưu UBND thành phố thay thế Quyết định 46/2019/QĐ-UBND về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy; tham mưu thay thế Nghị quyết 334/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố và chính sách xã hội hóa đối với cơ sở cai nghiện tự nguyện.

Ngành y tế tổ chức tập huấn cho các trạm y tế xác định tình trạng nghiện ma túy; đồng thời cân nhắc nội dung đầu tư cơ sở quản lý cai nghiện, cắt cơn nghiện tại Trung tâm y tế các quận, huyện, từ đó tham mưu thành phố về hiệu quả của cách làm này. UBND các quận, huyện có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định số 116/NĐ-CP ở địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn