MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập đoàn Đèo Cả đưa nhân lực, máy móc vào khắc phục sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh sau đề nghị của Ban QLDA 85. Ảnh: Thế Sơn

Cải tạo đường sắt Bắc - Nam là cấp bách, cần thiết

Hoài Luân LDO | 05/06/2024 06:30

Sau sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió và Chí Thạnh, ngành giao thông cần sớm tìm ra các giải pháp cấp bách trong việc cải tạo, nâng cấp các hầm đường sắt đã và đang xuống cấp như hiện nay, để tuyến đường sắt huyết mạch luôn được thông suốt, tránh những thiệt hại về mặt kinh tế lẫn con người.

Hầm đường sắt liên tiếp sạt lở, báo động nguy hiểm toàn tuyến

Chỉ hơn 1 tháng, tuyến đường sắt Bắc - Nam (đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) đã 2 lần bị chia cắt bởi sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió (đoạn qua Đèo Cả nối 2 tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên) xảy ra vào đêm 12.4 và hầm Chí Thạnh (đoạn qua huyện Tuy An, Phú Yên) xảy ra vào trưa 21.5 trong lúc thi công cải tạo thuộc Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.

Được biết, dự án này đang được Bộ GTVT triển khai với tổng kinh phí thực hiện khoảng 7.000 tỉ đồng, do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư. Trong số 11 hầm đường sắt nằm trong dự án cải tạo, 9 hầm cơ bản đã được kiên cố hóa xong, còn lại 2 hầm đang được khắc phục là Bãi Gió và Chí Thạnh. Đây cũng là 2 hầm đường sắt được đánh giá có kết cấu địa chất phức tạp nhất trong số các hầm được cải tạo.

Hai lần đối mặt với sự cố sạt lở, ngành đường sắt phải gánh chịu thiệt hại nặng nề khi khoản chi phí phải khắc phục phải bỏ ra lên đến cả trăm tỉ đồng. Đấy là chưa kể những thiệt hại kép mà sự cố này gây ra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch trong suốt 20 ngày tuyến đường sắt huyết mạch bị tê liệt. Trong bối cảnh vé máy bay có giá “trên trời” như hiện nay, tàu hỏa có lẽ là phương tiện đang được nhiều hành khách ưu tiên lựa chọn, vì giá rẻ và an toàn.

Theo thống kê của ngành đường sắt, trong thời gian 2 hầm đường sắt xảy ra sự cố, có khoảng 66.000 hành khách lựa chọn đi tàu và họ đều chấp nhận cảnh trung chuyển, dù khá bất tiện.

Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế - xã hội, việc liên tiếp sạt lở cũng chỉ rõ tình trạng xuống cấp đối với các hầm đường sắt hiện nay. Để tuyến đường sắt huyết mạch luôn được thông suốt, tránh lập lại tình trạng “hư đâu vá đấy”, ngành giao thông và đường sắt cần đưa ra các giải pháp cấp bách và lâu dài để sớm kiên cố hóa các hầm đường sắt.

Khó khăn về vốn

Hiện nay, trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam có 39 hầm, trong đó 27 hầm thuộc địa phận từ tỉnh Quảng Bình đến Khánh Hòa, được xây dựng và đưa vào sử dụng đã gần 100 năm nay, xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp như vỏ hầm bị phong hóa, nứt vỡ, thấm nước...

Vấn đề này đã được Bộ GTVT, ngành đường sắt nhìn ra từ rất sớm và cũng đã lên các kế hoạch để cải tạo, kiên cố hóa các hầm đường sắt, tuy nhiên việc thực hiện lại gặp khó vì chưa bố trí được nguồn vốn.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, ngành đường sắt có đặc điểm là đường đơn, vừa cải tạo vừa khai thác, nên phải thi công theo trình tự, không thể làm đồng loạt. Tuy nhiên, để không lặp lại những sự cố như hầm đường sắt Bãi Gió và Chí Thạnh, thời gian tới Bộ GTVT sẽ tổ chức những buổi hội thảo đánh giá toàn diện hiện trạng, nguyên nhân và nghiên cứu kinh nghiệm từ các chuyên gia trên thế giới, để tìm ra các giải pháp hiệu quả, lâu dài.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ngoài 11 hầm đường sắt thuộc dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, hiện còn 12 hầm đường sắt, 94 cầu và 14 công trình kiến trúc nằm rải rác từ Bắc vào Nam đã bị xuống cấp, cần sớm triển khai gia cố.

Nhận thấy được mức độ nguy hiểm, phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có báo cáo trình các cấp về việc xin đầu tư nâng cấp những hầm đường sắt, công trình xuống cấp còn lại.

Thông tin về vấn đề trên, ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - cho biết, quá trình thực hiện gia cố phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của tàu như không được mở 2 điểm (2 hầm) thi công liên tục, mỗi điểm thi công không được dừng tàu quá 4 giờ/ngày... do đó, đơn vị thi công phải chia ra rất nhiều đợt để triển khai, khiến cho công tác cải tạo kéo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn