MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tái diễn tình trạng ô nhiễm ở kênh Nước Đen sau hơn 1 năm hoàn thành việc cải tạo. Ảnh: Hữu Chánh

Cải tạo những dòng kênh ô nhiễm ở TPHCM: Bao giờ nước mới xanh trong?

HỮU CHÁNH LDO | 08/08/2023 06:37

Việc cải tạo, tái sinh các dòng kênh là một điểm son trong phát triển đô thị của TPHCM trong hơn hai thập kỉ qua. Thế nhưng, niềm vui của người dân chưa trọn vẹn khi nguồn nước vẫn đen kịt và tái diễn tình trạng ô nhiễm.

Hạnh phúc của hàng triệu hộ dân

Ngày 18.8.2012 - ngày khánh thành dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - đã trở thành ngày lịch sử của nỗ lực cải tạo kênh rạch, nâng chất môi trường sống của TPHCM.

Rất nhiều thử thách, rất nhiều khó khăn lớn đã phải vượt qua, kể cả bất tiện nặng nề cho người dân vì dự án kéo dài. Nhưng chính những hộ dân từng sống trên kênh nước đen này cũng ngỡ ngàng khi quay lại chứng kiến sự đổi thay như một kỳ tích.

"Gần 20 năm trước, ngồi trong nhà cách kênh chừng 30 m, tôi còn ngửi được mùi hôi nồng nặc. Khi đó, không ai dám nghĩ một ngày được tản bộ dọc con kênh sạch đẹp thế này", ông Nguyễn Văn Nam (sống gần cầu Kiệu, quận Phú Nhuận) kể về thời điểm dòng kênh ô nhiễm nặng.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau hơn 10 năm hoàn thành cải tạo.

Nỗ lực hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành công đã tạo điều kiện cho nhiều dự án cải tạo môi trường khác.

Trong đó, dự án kênh Tân Hoá - Lò Gốm (gần 9 km chảy qua 4 quận Tân Bình, Tân Phú, 11 và 6) có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng được đưa vào sử dụng tháng 4.2015, sau ba năm thi công. Đây là một trong những dòng kênh ô nhiễm nặng nề với hơn 1,2 triệu người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Mỗi khi triều cường lên, đường biến thành sông, nước đen ngòm, mùi hôi bốc lên khiến ăn cơm cũng phải đóng cửa. "Nhà ở kênh lụp xụp, đường đi lại ổ gà, ổ voi chằng chịt nên không bao giờ dám cho bạn bè đến thăm nhà vì... ngại" - chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (ngụ Quận 6) cho hay.

Kênh Tân Hoá - Lò Gốm nay đã khác xưa. Lòng kênh được ngầm hóa bằng cống hộp nằm bên dưới mặt đường rộng thênh thang. Cả khu vực vốn nổi tiếng ô nhiễm, ngập nước nay khang trang, sạch đẹp. Những cây cầu bắc qua kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng được xây dựng rút ngắn thời gian di chuyển qua hai bờ kênh...

Diện mạo kênh Nước Đen sau hơn 1 năm hoàn thành cải tạo.

Tương tự, sau hai năm được cải tạo với mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng, kênh Nước Đen (quận Bình Tân) từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nay đã khoác lên mình diện mạo mới.

Dòng nước được khơi thông, bờ kè chắc chắn hai bên là vỉa hè thoáng đãng, mùi hôi thối ở kênh đã giảm đáng kể. Người dân đi lại, tập thể dục thuận tiện...

Niềm vui chưa trọn vẹn

Việc chi hàng chục nghìn tỉ đồng để cải tạo, tái sinh các dòng kênh là một điểm son trong phát triển đô thị của TPHCM trong hơn hai thập kỉ qua. Tuy nhiên, nước ở nhiều tuyến kênh vẫn ô nhiễm do các nhà máy xử lí nước thải chưa được đầu tư đồng bộ khiến niềm vui của người dân chưa trọn vẹn.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, TPHCM sẽ có 12 nhà máy xử lí nước thải có công suất gần 3 triệu m3 nước/ngày. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành 3 nhà máy. Do việc đầu tư thiếu đồng bộ nên dù có dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành được giai đoạn 1 nhưng vẫn chưa xử lí được nước thải.

Tại kênh Nước Đen, dòng nước vẫn đen ngòm và bốc mùi hôi.

Theo ghi nhận của Lao Động, bề mặt kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nước Đen... đã tươm tất sạch, đẹp nhưng dòng nước vẫn đen ngòm và bốc mùi hôi.

Tại nhiều khu vực xuất hiện các loại rác trôi nổi trên dòng nước đen kịt. Xung quanh khu vực này, nước thải từ các ống cống được xả trực tiếp xuống kênh.

Nếu chạy dọc những đoạn kênh này cũng không khó để thấy một màu nước đen và mùi hôi quyện với rác. Vào những ngày nắng nóng, dòng kênh này càng bốc mùi nồng nặc...

Đủ thể loại rác thải được xả xuống dòng kênh.

Bà Nguyễn Thị Bích (58 tuổi, sống cạnh kênh Nước Đen) cho biết, vài năm gần đây tuyến kênh Tân Hoá - Lò Gốm ô nhiễm nặng trở lại. Ban ngày, quán xá hai bên đường đổ thức ăn thừa, nước thải khi rửa chén xuống dưới. Ban đêm, nhiều người mang đủ các loại rác từ nơi khác ném xuống nước hoặc xả dọc bờ dốc của kênh.

"Tôi rất lo lắng, bức xúc khi còn một số người vẫn đối xử với kênh Nước Đen y như thời ô nhiễm trước đây" - bà Bích nói và cho rằng, bên cạnh những hình thức chế tài, xử phạt, tự thân người dân, chúng ta nên sống có ý thức, trách nhiệm hơn, góp phần "hồi sinh" dòng kênh xanh trong lòng thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn