MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) có quy mô xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công suất phát điện lớn hàng đầu thế giới đã hoàn thành hơn 65% các hạng mục chính. Ảnh: Bảo Khánh

Cải tạo, xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác

Phạm Đông LDO | 28/10/2020 15:10

Cơn “khủng hoảng” rác của Hà Nội đã tạm chấm dứt, sau khi người dân Sóc Sơn dỡ lều bạt, lán trại để xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn bình thường. Các đơn vị chức năng đang huy động nhân lực, thiết bị, phương tiện khẩn trương thu dọn, giải tỏa rác thải tồn đọng trên địa bàn. Tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường, nút thắt mới được gỡ tạm thời, muốn chấm dứt cơn khủng hoảng rác, tránh tiếp diễn thì Hà Nội cần có những biện pháp đồng bộ, mang tính lâu dài và bền vững.

Rác thải vẫn chất thành đống trong nội đô

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 27.10, các xe ôtô vận chuyển rác đã có thể trở lại bãi Nam Sơn (Sóc Sơn) để tiến hành đổ rác sau khi bị người dân ngăn chặn không cho vào đổ rác. Công nhân của công ty môi trường đang khẩn trương phân luồng, thu dọn rác và khắc phục mặt bằng nội đô những khu vực tập kết rác sau 4 ngày bị ùn ứ.

Trong ngày 27.10, các khu tập kết rác trên đường Tân Mỹ, Châu Văn Liêm (Nam Từ Liêm); Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy) chưa thấy có dấu hiệu giảm, rác thải vẫn chất đống.

Cụ thể, khu tập kết rác trên đường Phạm Văn Bạch (đối diện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương), rác thải được chất thành đống cao, ngổn ngang không có gì che chắn, dẫn đến mùi hôi thối bốc lên khắp khu vực xung quanh. Để giảm mùi hôi thối các công nhân vệ sinh môi trường đã tiến hành phủ vôi bột từ những ngày trước đây.

Do tồn đọng khá lâu dẫn đến ở khu vực tập kết, rác thải đã có dấu hiệu rò rỉ nước, xuất hiện nhiều ruồi muỗi gây mất vệ sinh môi trường. Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, các đơn vị chức năng đang cố gắng chuyển rác về nơi xử lý, dự kiến trong những ngày tới sẽ xử lý xong.

Còn công ty Urenco cho biết, sau khi thông bãi, khối lượng vận chuyển tiếp nhận tại bãi Nam Sơn trong đêm qua là 1.225 tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, Urenco đã cơ bản vận chuyển xong toàn bộ rác thải tồn đọng và rác phát sinh hằng ngày trên địa bàn 4 quận trung tâm Hà Nội (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng).

Về vấn đề thu dọn xong rác tồn đọng sau khi bãi rác Nam Sơn hoạt động trở lại, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngay sau khi bãi rác Nam Sơn thông xe trở lại, Sở đã thông báo tới các quận, huyện; đơn vị duy trì vệ sinh môi trường thực hiện vận chuyển rác theo phương án cũ. Theo Sở Xây dựng, lượng rác thải tồn đọng trên địa bàn 12 quận, 5 huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh khoảng 7.100 tấn. Dự kiến, sau khoảng 2 ngày sẽ thu dọn xong rác thải tồn đọng trên địa bàn.

Xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác

Trước tình trạng quá tải về rác thải, từ năm 2017, TP.Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chỉ có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn đang trong quá trình xây dựng. Trong tương lai gần nhất, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn sẽ có thêm Nhà máy điện rác Sóc Sơn, vừa giúp giảm tải cho khu vực chôn lấp, vừa giúp giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn là Công ty CP Năng lượng Thiên Ý Hà Nội, cam kết sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Bên cạnh việc thúc đẩy hoàn thành đúng tiến độ Nhà máy điện rác Sóc Sơn, UBND TP.Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội căn cứ diện tích đã giải phóng mặt bằng tại khu phía bắc đầu tư khẩn cấp ô chứa khoảng 5ha, hoàn thành trước tháng 10 tới.

Đối với Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt đầu tư hai dự án gồm: Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày, phát điện 15,5MW và Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày, phát điện 12MW.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giải pháp trước mắt đối với Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn là tập trung nâng cấp, cải tạo để có thể tiếp tục tiếp nhận và xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) đánh giá, tồn tại lớn nhất trong công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hướng tới giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp.

Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại chưa tương xứng; nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý không đạt yêu cầu.

Theo ông Tùng, đây không phải là lần đầu tiên người dân ở khu vực bãi rác Nam Sơn chặn xe chở rác. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 của dự án này thì Hà Nội cần có thêm những giải pháp đồng bộ khác, mang tính lâu dài như phân loại rác tại nguồn, xây dựng khu đốt rác như nước ngoài, cải tạo và xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác khác.

Mặc dù việc chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt.

Vấn đề của bãi rác Nam Sơn xuất phát những khuyết điểm của các cấp, các ngành

Chiều 27.10, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết, năm nay là lần thứ 2 người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Trong vấn đề của bãi rác Nam Sơn có những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Về nguyên nhân chủ quan chính là những khuyết điểm của các cấp, các ngành, sự phối kết hợp của các cơ quan từ xã, huyện và Thành phố.

Theo ông Học, Bí thư Thành ủy khẳng định đây là việc quan trọng của Thành phố, các đơn vị, hệ thống chính trị của Thành phố phải tập trung xử lý. Ngày hôm qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã dẫn đầu đoàn công tác xuống huyện Sóc Sơn để giải quyết. Nếu vấn đề của bãi rác Nam Sơn không được giải quyết sẽ rất phức tạp, kéo theo nhiều vấn đề. “Lần này với sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy thì những vấn đề đã kết luận, văn phòng ra thông báo, giao trách nhiệm cho từng đơn vị thì chúng ta có lòng tin trong thời gian tới các vấn đề cơ bản sẽ được giải quyết” – ông Học nói. Phạm Đông

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn