MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số lò mổ vẫn dùng dao bầu chọc tiết lợn. Ảnh: Tùng Nguyễn

Cấm giết vật nuôi trước mặt đồng loại vẫn "chưa tới" các lò mổ nhỏ

Tùng Nguyễn LDO | 21/12/2018 10:04

Theo khảo sát tại một lò mổ ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), vật nuôi vẫn bị giết theo cách truyền thống. Nếu so sánh với Luật Chăn nuôi thì chắc chắn lò mổ này sẽ dính phạt.

Quy định vẫn chưa tới các lò mổ

Điều 68 Luật Chăn nuôi quy định rõ về phúc lợi vật nuôi trong giết mổ. Điều này cấm các cơ sở giết mổ giết vật nuôi trước mặt đồng loại, quy định này gây nhiều chú ý.

Tới ngày 1.1.2020 luật mới có hiệu lực. PV Báo Lao Động đã đi khảo sát tại 1 lò mổ ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

2h sáng, bầu không khí yên ắng bỗng bị “xé toạc” bởi tiếng những con lợn sắp bị cắt tiết.

Trong vai người muốn mua buôn thịt lợn, PV được một người phụ nữ tên K. - chủ của lò mổ dẫn trực tiếp vào nơi “hành quyết” lợn.

Theo bà K., mỗi đêm lò mổ của bà giết hàng chục con lợn. Hầu hết việc giết mổ lợn bằng cách truyền thống, thợ mổ sẽ chọc tiết cho đến khi lợn chết.

Trên tay con dao bầu, ông Q. thợ giết lợn lò mổ này cho biết, thông thường những con lợn bị giết sẽ kêu rống lên nhiều hồi, khoảng 10 phút sau mới chết hẳn.

Với quy trình này, chủ lò mổ trên chắc chắn đã vi phạm quy định tại điều 68 của Luật Chăn nuôi.

Giết lợn theo cách truyền thống tại một lò mổ ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Tùng Nguyễn

Khó chứng minh được thịt của lợn bị giết khi đau đớn

Đề cập đến quy định trong Luật Chăn nuôi, bà K cười xòa và nói: “Giờ chứng minh kiểu gì để biết là con lợn nó đang đau, còn thịt lợn vào sáng sớm thế này làm gì có ai đi kiểm tra, nên việc mình làm thì vẫn cứ làm chứ chẳng thay đổi gì”.

Theo ghi nhận của PV ở một số lò mổ khác tại xã Phụng Châu, các chuồng nuôi nhốt đều nằm ngay sát khu vực giết mổ nên việc không để vật nuôi sợ hãi, nhìn thấy đồng loại bị giết mổ là điều rất khó.

Ông H. một người làm nghề mổ lợn lâu năm tại đây cho biết, hiện có hai phương pháp giết mổ. Có thể dùng điện để chích ngất lợn trước hoặc chọc tiết theo cách truyền thống.

Tuy nhiên, ông H cho rằng, dùng điện chích ngất lợn nếu không cẩn thận có thể nguy hiểm, “bởi trên thực tế đã có trường hợp bị điện giật chết, nên tôi thấy quen và thuần thục với cách truyền thống hơn”.

Nói về quy định với các cơ sở giết mổ trong Luật Chăn nuôi, ông H khẳng định không có gì phải lo lắng. “Muốn không cho con khác nhìn thấy thì đơn giản chỉ cần lấy tấm bạt che chuồng lại là xong”.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, điều kiện giết mổ động vật ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu về đối xử nhân đạo và thiếu các biện pháp gây chết.

Ngoài vấn đề về tính nhân đạo thì khi vật nuôi bị giết trong sự đau đớn sẽ tiết ra nhiều độc tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng thịt và sức khỏe người sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn