MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng CSGT lâp biên bản vi phạm giao thông tại chỗ, tới đây những trường hợp vi phạm này sẽ được ghi hình và phạt nguội. Ảnh: PV

Cần biện pháp cưỡng chế người vi phạm nộp phạt

NHÓM PV LDO | 31/05/2019 09:16

Từ ngày 1.6, lực lượng CSGT Công an TPHCM bắt đầu mở rộng việc ghi hình ảnh bằng camera đối với những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và trích xuất hình ảnh để làm cơ sở xử phạt (hay còn gọi là phạt nguội). Vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng là cần có biện pháp cưỡng chế nộp phạt, chứ không thể chờ đợi vào sự tự nguyện của người vi phạm.

Mở rộng phạt nguội khắp địa bàn thành phố

Lâu nay, lực lượng CSGT TPHCM đã áp dụng hình thức ghi hình ảnh, phạt nguội đối với những trường hợp vi phạm trật tự ATGT, song việc xử phạt chủ yếu tập trung ở Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM (PC08) cho biết, từ ngày 1.6 sẽ chính thức mở rộng công tác xử lý vi phạm hành chính qua hình ảnh đến toàn bộ đơn vị làm công tác tuần tra kiểm soát, phụ trách các tuyến đường (gồm 17 đội, trạm CSGT) thay vì chỉ tập trung tại một đơn như trước đây. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các tuyến đường trọng điểm, các khu vực phức tạp thường xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông và tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng, các tuyến đường không có lực lượng chức năng làm việc.

Khi đã xác định được đầy đủ các yếu tố vi phạm qua hình ảnh, cảnh sát giao thông tiếp tục xác minh phương tiện vi phạm thông qua biển số xe và nhập vào phần mềm xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh phòng xây dựng, chuyển thông báo vi phạm đến chủ phương tiện để đến trụ sở đơn vị xử phạt qua hình ảnh. Người vi phạm được xem bản ghi hình ảnh hoặc kết quả ghi, thu hành vi vi phạm trước khi bị lập biên bản.

Người vi phạm đến nộp phạt. Ảnh CSGT cung cấp
Chờ đợi người vi phạm tự nguyện nộp phạt?

Trao đổi với PV Lao Động ngày 30.5, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM - cho rằng, trước tình trạng trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp thì việc mở rộng công tác xử lý vi phạm hành chính qua hình ảnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tường cũng xác nhận, việc xử phạt sau khi đã ghi hình ảnh các trường hợp vi phạm vẫn còn không ít khó khăn, nhất là hiện nay đang thiếu biện pháp cưỡng chế người vi phạm, chấp hành nộp phạt. Nhiều trường hợp sau khi nhận thông báo vi phạm đã không tự nguyện đến trụ sở đơn vị của lực lượng CSGT để nộp phạt.

Năm 2018, lực lượng CSGT TPHCM đã trích xuất được khoảng 58.955 trường hợp vi phạm qua hình ảnh và gửi thông báo vi phạm đến người vi phạm. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 12.000 trường hợp chấp hành xử phạt (tức khoảng 20%), còn lại có tới 80% số người vi phạm không chấp hành xử phạt, nhưng cơ quan chức năng chưa có giải pháp hiệu quả.

Nhiều ý kiến đã đề xuất với các trường hợp vi phạm ghi nhận qua hình ảnh đã được thông báo nhưng sau nhiều lần không tự nguyện đến nộp phạt thì chuyển danh sách sang cơ quan đăng kiểm để đề nghị dừng đăng kiểm (đối với xe ôtô). Tuy nhiên, một cán bộ Phòng CSGT TPHCM cho rằng, vừa qua thành phố chưa thể thực hiện được, vì chưa đủ cơ sở pháp lý áp dụng hình thức này. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh cơ sở pháp lý cũng như các quy định về cưỡng chế người nộp phạt, thì trước mắt cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa lực lượng CSGT với công an địa phương nơi người vi phạm cư trú, chủ doanh nghiệp vận tải để yêu cầu người vi phạm chấp hành nộp phạt.

Đại diện Phòng CSGT TPHCM cho biết: “Thông qua việc phạt nguội hình ảnh này, chúng tôi mong muốn người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác tuân thủ Luật Giao thông, không lợi dụng sự sơ hở hoặc thiếu vắng lực lượng CSGT mà vi phạm luật. Những trường hợp nào vi phạm đã được gửi thông báo thì phải chấp hành nghiêm việc xử phạt, không nên lẩn tránh” - đại diện PC67 cho biết.

* Theo đại diện Phòng CSGT Công an TPHCM, với những trường hợp vi phạm đã gửi giấy mời nhưng cố tình không đến trụ sở đơn vị xử phạt qua hình ảnh để đóng phạt theo quy định, thì lực lượng chức năng sẽ gửi thông tin xử phạt về UBND phường và công an phường. Trên cơ sở đó, chính quyền cơ sở sẽ làm việc trực tiếp với trường hợp vi phạm để tiến hành các quy trình xử phạt. “Khi gửi hồ sơ về chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng sẽ in hình ảnh vi phạm gửi kèm theo. Trong trường hợp người vi phạm yêu cầu xem hình ảnh video, thì có thể đến trực tiếp trụ sở đơn vị xử phạt qua hình ảnh để xem hoặc có đơn đề nghị thì lực lượng chức năng sẽ trích xuất và gửi hình về địa chỉ cư trú” - đại diện Phòng CSGT Công an TPHCM cho biết thêm.

* Luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, đối với nhiều nước trên thế giới thì việc cưỡng chế nộp phạt với người vi phạm giao thông rất nghiêm và hiệu quả. Ví dụ: Sau lần thứ nhất thông báo mà người vi phạm không chấp hành nộp phạt thì ở các lần thông báo sau mức phạt sẽ tăng lên hoặc họ sẽ cưỡng chế bằng cách trừ thẳng số tiền nộp phạt qua tài khoản người vi phạm, thậm chí tùy mức độ “trây ỳ” mà có thể xem xét xử lý hình sự. Còn đối với nước ta hiện nay thì biện pháp cưỡng chế như vậy chưa có đủ cơ sở pháp lý. Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cũng nên sớm xem xét điều chỉnh, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện biện pháp cưỡng chế nộp phạt hiệu quả. Bởi lẽ, nếu không thì rất dễ bị dân “nhờn mặt”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn